Tin tức - Sự kiện

Chuyên nghiệp hoá hoạt động du lịch tại bảo tàng

Cập nhật: 18/06/2008 15:06:17
Số lần đọc: 1694
Để khai thác tốt những giá trị của bảo tàng cho sự phát triển của ngành du lịch cũng như làm phong phú thêm hoạt động của bảo tàng, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã đứng ra làm đơn vị "kết nối" giữa các bảo tàng và các Cty du lịch, lữ hành để nhằm mục đích đưa các bảo tàng trở thành điểm đến quen thuộc, yêu thích của du khách mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.

Bảo tàng vẫn chưa hút khách


Bảo tàng thường là địa chỉ hút những người thích khám phá văn hoá, lịch sử và là một trong những điểm đến hút du khách nước ngoài. Hà Nội hiện có khoảng trên 10 bảo tàng và di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng với cả nước như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử VN, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, Bảo tàng Dân tộc học, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Hỏa Lò... và những địa danh này đều được các Cty du lịch, lữ hành quan tâm, đưa vào chương trình tour từ vài năm nay. Theo thống kê của Sở VHTTDL, mỗi năm các bảo tàng trên địa bàn thành phố thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, đem lại một nguồn thu lớn cho các bảo tàng.


Tuy nhiên, theo một số Cty du lịch, lữ hành, vẫn còn nhiều bất cập dẫn tới các bảo tàng chưa thực sự thu hút các du khách như: Sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và bảo tàng chỉ mang tính chất tự phát, không đồng bộ; các Cty du lịch vẫn chưa chú trọng lắm vào việc đưa bảo tàng vào chương trình tour; cơ sở vật chất, dịch vụ của bảo tàng để phục vụ du khách vẫn còn nghèo nàn; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên và công tác quảng bá của bảo tàng vẫn còn chưa chuyên nghiệp...


Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương - GĐ Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN: Mối liên hệ giữa các bảo tàng với Sở VHTTDL chưa thực sự khăng khít nên các bảo tàng hầu như không nắm được nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, Sở VHTTDL cũng nên có dự báo về lượng khách, để các bảo tàng có thể nắm bắt được để chuẩn bị cho tốt...


Một thực tế tại các bảo tàng hiện nay là các dịch vụ vẫn còn đơn điệu, vẫn chỉ dừng ở mức mua vé tham quan, xem và chụp ảnh lưu niệm là hết, chứ chưa có những dịch vụ mang tính đột phá, đem lại cảm giác mới lạ cho khách tham quan.


Kinh doanh bảo tàng


Theo ông Nguyễn Hữu Việt - Phòng Quản lý Lữ hành và xúc tiến du lịch (Sở VHTTDL): Sở đã đứng ra làm gắn kết giữa các doanh nghiệp (DN) làm du lịch với các bảo tàng thời gian qua, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Để việc gắn kết này đạt hiệu quả cao nhất cần có sự "chuyên nghiệp" trong mọi hoạt động giữa bảo tàng và DN, vì vậy, sở đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho hơn 100 hướng dẫn viên của các Cty du lịch, lữ hành tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - đây là bước khởi đầu chuyên nghiệp hoá hoạt động giữa bảo tàng và các DN du lịch. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai đào tạo hướng dẫn viên tại các bảo tàng, khu di tích khác.


Theo ý kiến của nhiều DN du lịch, trong thời gian tới, các bảo tàng nên chú trọng vào việc quảng bá hình ảnh của mình thật tốt để các Cty du lịch có thể đưa bảo tàng là điểm đến quan trọng trong các tour du lịch.


Ngoài ra, các bảo tàng cũng nên khắc phục một số tồn tại như: Thông báo giờ mở cửa để các DN có thể lên chương trình tour; đào tạo thuyết minh viên cho bảo tàng linh hoạt hơn, chuyên nghiệp hơn theo phong cách hướng dẫn viên du lịch; các bảo tàng nên đưa thông tin về một đầu mối (ví dụ như Sở VHTTDL) để chuyển lên website để các DN dễ dàng tra cứu thông tin; cần lắng nghe ý kiến đóng góp từ các DN du lịch để việc phục vụ du khách đạt hiệu quả cao nhất...

Nguồn: Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT