Non nước Việt Nam

Tín ngưỡng các dân tộc ít người ở miền núi

Cập nhật: 23/07/2008 08:07:31
Số lần đọc: 2551
Ở Bình Thuận, các dân tộc ít người ở miền núi sống rải rác ở vùng rừng núi phía Tây và Tây Bắc của tỉnh. Tiếng nói của bà con thuộc ngữ hệ khác nhau (Raglai không giống với Cơ Ho) nhưng có những nét giống nhau về sinh hoạt tập quán của người dân miền sơn cước, nhất là về tín ngưỡng.

Bà con không thờ tổ tiên, không có tôn giáo chính thống và tin theo thuyết đa thần, tôn sùng đấng tối cao vô hình được mệnh danh là Giàng (còn gọi là Nhang); coi như mọi sự trên đời: sanh, lão, bệnh, tử cũng như các điều may mắn hay rủi ro đều do Giàng định đoạt; muốn làm gì cũng phải cúng xin Giàng. Và Giàng không chỉ có một mà hiện ra thành nhiều thần linh gắn với thiên nhiên sông suối, Giàng của nương rẫy, Giàng của mưa gió, sấm sét… và có cả Giàng của ché rượu. Mỗi gia đình tự chọn một vị thần hộ mệnh riêng.


Song ở sắc tộc nào cũng vậy, Giàng lúa được coi là vị thần linh phổ biến trong lễ thức nông nghiệp trải suốt quá trình một mùa rẫy, ví như thần rừng khi chọn đất làm rẫy, cúng thần lửa khi đốt rẫy, rồi cúng trước khi trỉa lúa, cúng khi lúa làm đồng, cúng trước khi tuốt lúa, cúng khi lúa về kho. Đây là dịp Tết cổ truyền đánh dấu một năm lao động sản xuất gắn liền với cúng cửa kho để lấy thóc ra ăn. Nhóm cư dân làm lúa nước cũng tiến hành các thể thức cầu mùa, như sạ giống có lễ cầu trời đổ mưa; lúa mọc xanh làm đồng có lễ cầu lúa nhiều bông; sau khi thu hoạch có lễ quạt thóc, lễ động kho, rồi đến lễ cơm mới. Đây cũng là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Nhóm Cà Dòn trong dân tộc người Cơ Ho khi vui Tết cơm mới có tục vãi cơm ra sàn nhà với niềm tin vụ sau sẽ có nhiều thóc gạo dồi dào như thế.


Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên đồng bào thường hay cầu cúng mong được mọi sự may mắn, tốt lành, trừ bỏ tai họa. Lễ cúng nhỏ chỉ cúng gà, lễ cúng lớn thu hút cả buôn làng tham dự nhất thiết phải có heo hay trâu.


Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh ban sự yên lành và cho được mùa thường được cử hành quanh đống lửa. Tùy nơi, thân cột lễ được khắc các đường nét hoa văn tô màu sắc đẹp làm cho quang cảnh thêm từng bừng. Từng tốp gái trai mặc sức chưng diện, tay chân đeo nhiều vòng bạc, quây quần nhảy múa giữa nhịp trống và tiếng mã la vang lên rộn ràng. Theo lệnh của già làng, các trai tráng cầm dao nghe hát dứt câu bèn xông tới con trâu bị cột, chém mạnh vào hai chân sau của nó cho đến khi trâu ngã quỵ. Người ta xúm lại xẻ thịt đem thui nướng trên lửa và chấm muối ăn tại chỗ.


Thông thường, lễ hội của đồng bào đều có tục đánh mã la và uống rượu cần. Thời gian tiến hành lễ hội giữa các sắc tộc lại không giống nhau. Người Cơ Ho xưa kia bày lễ hội kéo dài hàng tháng trời vào cuối mùa nắng trước khi đốt rẫy. Trong thời gian gọi là “tháng không quên” đó, họ ăn uống liên miên hết xóm này đến xóm khác, vui chơi thỏa thích với các cuộc rủ nhau đi bắt cá, săn thú… khi đốt rẫy xong, chờ mưa tới mới bắt đầu chọn đất rồi chọt lỗ, bỏ hột giống.


Người Raglai sau khi gặt hái xong có “mùa uống rượu” kéo dài khoảng từ tháng 12 dương lịch đến tháng 4 năm sau (theo cách tính thời gian của đồng bào, cứ mỗi độ trăng tròn là một tháng, sau một mùa rẫy là một năm. Còn muốn tính được bao nhiêu năm cũng như tuổi đời thì quen với cách dùng dây thắt gút để đếm). Nhà nào cũng chuẩn bị mấy ché rượu lớn. Chủ nhà giết heo gà mời chòm xóm đến tha hồ ăn nhậu. Khách đến dự vui cũng không quên gùi theo ché rượu để uống cho đã. Cả thanh niên nam nữ đều sành rượu vì đã tập uống từ khi mới lớn. Theo tục lệ, khách tới chơi nhất thiết phải được chủ nhà mời rượu và chỉ vui bụng khi cả khách lẫn chủ đều cùng uống cho đến say rồi lăn ra ngủ tại chỗ. Hôm sau tỉnh dậy mới ai về nhà nấy, rồi lại rủ nhau tiếp tục đến uống ở nhà khác.


Ngày nay, nhiều tập tục cũ đã giảm bớt. Như Tết Nhô Vrê R’He là tết mừng bông lúa trĩu hạt về nhà làm lễ cúng Thần lúa, thay vì kéo dài suốt tháng đã rút gọn còn 3 ngày vào giữa tháng chạp âm lịch sau ngày gặt hái. Rạng sáng ngày rằm, người Raglai nào cũng lấy một ít lúa mẹ từ bồ thóc đầy đem rửa sạch, rang khô bỏ vào cối giã. Chày làm bằng loại tre đá cắm chọc vào một thân cây được khoét lổ tạo nên âm thanh vang rộn. Gạo giã xong đem nấu nồi cơm mới cúng tạ thần lúa, tạ ông bà, cầu mong mùa lúa tới có thóc đầy bồ. Chỉ sau lễ cúng này, lúa trong bồ mới được lấy ra dùng hằng ngày.


Dịp lễ tết Thần lúa, người Cơ Ho vùng thấp thường dựng cây nêu trước nhà, gia đình nào cũng chuẩn bị heo gà mời bà con thân thuộc trong làng đến chung vui. Người Mạ, người Chu Ru cúng Thần lúa, không quy định ngày, không dựng nêu, nhưng bàn thờ trong nhà được trang trí khang trang với những vật thờ mắc trên vách giữa nhà như sừng min, sừng sơn dương, gạc nai biểu thị cho sức mạnh chinh phục và chế ngự thiên nhiên.


Trong lễ hội, bà con dân tộc tổ chức sinh hoạt văn hóa đánh mã la, thổi kèn bầu, múa hát, uống rượu cần, ăn thịt nướng dưới trời trăng sáng đến khuya. Rượu cần là lễ vật không thể thiếu. Lễ đầu lúa, uống rượu cần để mừng Giàng cho mùa bội thu, mừng báo đáp trọn vẹn công ơn của người đã khuất. Lễ bỏ mã, uống rượu cần để tỏ niềm lưu luyến tiếc thương giữa kẻ ở người đi. Lễ cưới, uống rượu cần để mừng nam nữ lứa đôi hạnh phúc. Lễ cúng đầu lúa cũng là dịp các cô gái, chàng trai bận những bộ trang phục màu sắc sáng tươi gặp gỡ trao duyên và động viên nhau lao động sản xuất qua những lời dân ca giàu tình cảm.


Về hôn nhân, bà con dân tộc ít người ở miền núi theo chế độ mẫu hệ. Quyền chủ động trong cưới hỏi thuộc về người con gái, tự chọn cho mình một chàng trai ưng ý rồi báo cho cha mẹ biết để tìm người mai mối có uy tín trao cho nhà trai một vật quý để làm tin. Hôn lễ được tổ chức tại nhà trai, sau đó nhà gái rước rể về nhà mình. Theo tục lệ, nhà trai đưa cho nhà gái trâu bò, chiêng ché, chén bát coi như của hồi môn. Sau hôn nhân, việc ly hôn rất ít xảy ra. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của già làng. Ngoại tình là một tội phạm bị luật tục phạt rất nặng. Người dân tộc miền núi cấm quan hệ hôn nhân trong cùng một dòng họ. Với người Cơ Ho, khi vợ chết, người chồng có thể lấy em gái hoặc chị gái của vợ. Ngược lại, khi chồng chết, người vợ có thể lấy em trai hoặc anh trai của chồng. Hiện nay ở vùng dân tộc miền núi, những luật tục tiến bộ trong hôn nhân kết hợp với luật hôn nhân gia đình đã tạo nên nét văn hóa đẹp.

Nguồn: Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT