Tin tức - Sự kiện

Văn hóa trong gốm sứ Việt

Cập nhật: 29/07/2008 14:07:06
Số lần đọc: 1422
Cuộc đời ông bình dị, lặng lẽ với nghề. Chẳng có chức quyền gì trong xã hội, nhưng người dân dã gọi ông là "vua" nghề sứ. Bởi sự say mê lao động sáng tạo của ông đã vực dậy làng nghề gốm sứ Bình Dương. Sản phẩm ông làm ra không chỉ lợi nhà, ích nước, còn thấm đậm văn hóa Việt Nam.

Ngay từ thời còn là "kỹ sư xà loỏng", nay học trường đình, mai học trường chùa, lập "phòng thí nghiệm" bằng chai lọ xì dầu phế thải và lon sữa bò sắt gỉ, ngày ngày ra bến sông nhìn ghe thuyền châu đầu như nan quạt chờ ăn hàng về các tỉnh miền tây, những đoàn xe thổ mộ chở đầy gốm sứ chạy tong tong các ngả đường, lòng Lý Ngọc Minh lại xốn xang mơ ước làm rạng danh cho nghề gốm sứ quê mình.

 

Không ngờ đúng cái lúc anh sung sức, hăm hở nhất (quãng thời gian 1985-1990) hàng đẹp, giá rẻ của nước ngoài tràn vào đè hàng Việt Nam không tài nào ngóc dậy. Ðiều đó làm Lý Ngọc Minh suy nghĩ đến mất ăn, mất ngủ. Tại sao hàng Việt Nam không bán được? Lý gì hàng nước ngoài vừa đẹp, giá lại rẻ? Lời động viên của mẹ: "Ráng cắm sào đợi nước, nghề này còn gốc thì còn trái". Và câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền..." đã làm anh bừng tỉnh.

 

Trước tiên phải học, đến tận gốc tìm cho ra lẽ. Qua các nước Pháp, Ðức, Trung Quốc, Nhật Bản... âm thầm thăm dò tiếp thị, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu học hỏi về công nghệ, ông Minh mới nghiệm ra rằng: Cái yếu, cái thiếu của gốm sứ Bình Dương là thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu, kinh nghiệm tiếp thị, tìm kiếm thị trường quá ít ỏi. Ðồ sứ Việt Nam quá đơn điệu về mẫu mã. Ðã ít chú ý xây dựng thương hiệu, lại không quan tâm sáng tạo phần hồn... Và thế là ông Minh đã tìm được chiếc "chìa khóa vàng" để làm người tiên phong vực dậy nghề gốm sứ Bình Dương.

 

"Sự học" của ông Minh ít ai có thể làm được. Ông ra bắc vào Chùa Một Cột, thăm Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, chùa chiền nơi Kinh Bắc, rồi vào Huế thăm Thành Nội, các lăng tẩm, phố cổ Hội An, cùng hàng trăm chùa chiền danh tiếng phía nam... Ở đâu có chùa cổ, danh lam thắng cảnh là ông Minh tìm đến để học, nghiên cứu về văn hóa dân gian.

 

Ông còn bôn ba xứ người tới Hội chợ gốm sứ lớn nhất thế giới Frankfurt (Ðức); đi Cảnh Ðức Trấn (Trung Quốc), nơi sản xuất gốm sứ nổi tiếng thế giới, mà vẫn không tìm ra "chiếc đũa thần" để trên cơ sở công nghệ hiện đại đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam "đậm đà bản sắc dân tộc" vào sản phẩm gốm sứ của mình. Tình cờ một hôm về quê nhìn cái lu chứa nước đặt nơi gốc mít đầu nhà, cái lu mái vú thuở nào trông nó đơn sơ mộc mạc, nhưng lại rất đẹp, duyên dáng, gần gũi. Tiện tay, ông Minh với chiếc nón lá chụp lên miệng lu thấy thật gợi cảm. Ý tưởng về một kiểu dáng cho sản phẩm sứ Minh Long I bắt đầu nhen nhóm từ đây. Thế là thân xác, hình hài các bộ đồ sứ Minh Long I với hơn 54 sản phẩm phục vụ ẩm thực ra đời, sau này được đặt tên dãy Hoàng Cung đều mang dáng dấp cái lu đựng nước, thật thân quen với mọi người, rất Nam Bộ, rất Việt Nam.

 

Kỳ công nhất đối với ông Minh trong lao động sáng tạo, có lẽ là hai bộ đồ sứ Cung đình: Sơn Hà, Cẩm Tú. Ông kể: Qua những chuyến đi tham quan, nghiên cứu, học tập, tôi nghiệm thấy văn hóa chốn cung đình ở mọi nước và mọi triều đại, hoa văn trên các đồ dùng của vương tôn công tử đều chạm trổ rất công phu những linh vật, con vật tiêu biểu của quốc gia trên nền son đỏ thếp vàng. Tôi nuôi ý tưởng cho bộ Sơn Hà, Cẩm Tú khi ra đời phải có nét đẹp văn hóa tri thức tiêu biểu, song dứt khoát phải thể hiện niềm tự hào Việt Nam là con rồng cháu tiên. Cái bí là nếu vẽ rồng và phượng (hoặc hạc) theo kiểu bình thường thì sao gọi là con rồng cháu tiên được? Tôi mạnh dạn vẽ một con rồng hơi khác từ trước ta vẫn thường trang trí trên các vật dụng. Ðó là con rồng nhưng mang đầu phượng, miệng không ngậm cầu lửa mà ngậm ngọc châu, với phần đuôi là những cánh sen tượng trưng là tiên. Dù đã ưng ý, tôi vẫn cảm giác phần đầu rồng có cái gì không ổn, nên mời các giáo sư Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Phổ từ Hà Nội vào để thỉnh ý, được hai giáo sư cho biết Hà Nội vừa tìm thấy di sản thành cổ Thăng Long có nhiều đồ gốm, trong đó rất nhiều di vật mang hình dáng con rồng, nhất là rồng - phượng thời Lý - Trần rất đặc trưng Việt Nam. Trở về Hà Nội, hai thầy Vượng và Phổ còn gửi cho tôi những tài liệu quý giá mà hai thầy tâm đắc giúp tôi thêm tin tưởng và hứng khởi bay ra Hà Nội tiếp cận, khảo sát thật kỹ các chi tiết đầu rồng thời Lý - Trần. Quả thật, rồng thời Lý - Trần rất đặc biệt: đầu rồng nhưng mỏ phượng. Có lẽ người xưa đã muốn cho ra một con rồng phượng hay phượng rồng Việt Nam để nói lên ý nghĩa con rồng cháu tiên khác với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Ðộ...

 

Bộ Sơn Hà chủ đạo là mầu đỏ cung đình, mà trong nghề gốm sứ khi nói đến mầu đỏ ai cũng biết là khó làm, lại là mầu đỏ son cẩn vàng nung ở nhiệt độ cao 1.2500C, chìm dưới men, càng khó. Ðúng là thách thức với ông Minh, vì từ trước tới nay ngay cả trên thế giới cũng chưa ai làm được. Nhưng, với lòng đam mê nghề nghiệp và có cả sự may mắn, cuối cùng ông Minh cũng thành công.

 

Còn bộ Cẩm Tú thể hiện sự cao sang quyền quý nên ông Minh chọn mầu xanh da trời, mầu xanh mà người Trung Quốc gọi là vũ quá thiên thanh (mầu xanh sau cơn mưa), ngay ở Trung Quốc hiện cũng đã mai một; còn người phương Tây gọi mầu này là king blue (mầu xanh vua), có lẽ vì nó quá đẹp, không thể có mầu xanh nào đẹp hơn nữa. Hiện nay, đồ sứ thế giới cũng không thấy tồn tại mầu xanh này, các hãng điều chế men mầu đều gặp khó khăn, vì chưa ai pha chế được mầu xanh này ở nhiệt độ 1.250oC. Có một hãng sứ nổi tiếng ở Ðức pha chế được, nhưng chỉ đạt 60-70%.

 

Ông Minh cũng chỉ ước mơ làm được như thế là tốt lắm rồi. Nhưng suốt gần hai năm trời tốn bao công sức vẫn không thể nào có được. Ðã có lúc cả thầy trò đều chán nản định bỏ cuộc. Nhưng trời không phụ lòng người đam mê tâm huyết với công việc. Năm thứ ba, ông Minh gắng sức, cuối cùng có một ngày bỗng mầu xanh da trời "vũ quá thiên thanh" hiện lên, không phải mầu xanh vua mà đẹp hơn nhiều, quả là mầu xanh trời. Ông Minh mừng reo ầm cả nhà, khắp phòng thí nghiệm vì không nghĩ mình có thể biến chế ra thứ mầu sắc đẹp lạ lùng đến thế, "cái thứ mầu sắc mà mình chỉ được đọc trong sách và nghe kể lại chứ trên thực tế thì chưa thấy bao giờ".

 

Nhớ buổi chiều cách đây sáu bảy năm, tôi đến thăm mừng ông Minh đưa hai lò ga vào hoạt động cho ra mẻ gốm sứ cao cấp đầu tiên. Vừa tới cơ ngơi của bản hiệu "Gốm sứ cao cấp Minh Long I" gặp ngay ông già Hai, người Tân Phước Khánh, cùng quê ông Minh, từng nổi danh "đại gia" chủ một lò gốm lớn, nay giữ chân "thường trực" ở cổng Công ty Minh Long I.

 

Thấy tôi nháo nhác muốn hỏi, ông già hiểu ý liền giải thích ngay: "Ở quê, các lò gốm với chum vại, chậu kiểng thì vẫn còn lai rai, song tôi hỏi chú, ngay bây giờ nhà chú có còn dùng những tô, đĩa, chén cơm... nặng như nồi đồng cối đá nữa không? Ðổi mới, công nghiệp hóa rồi, có lớp trẻ giỏi giang, làm vinh quang cho gốm sứ nước mình thì chớ có mà bịn rịn".

 

Công nghệ, chất lượng, vẻ đẹp tao nhã của gốm sứ Minh Long bây giờ đã đạt tới đỉnh cao, nổi tiếng ở nhiều nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản..., những nước đều có nền công nghiệp gốm sứ tiên tiến lâu đời. Tại các kỳ Hội chợ triển lãm quốc tế Hannover, Stuttgart, Frankfurt ở Ðức, Hà Lan năm 1996, sản phẩm Minh Long I đạt giải thưởng WTO của cơ quan sở hữu trí tuệ LHQ về công nghệ sứ mầu ở nhiệt độ cao, và năm 1997, đoạt giải Sao Vàng về chất lượng quốc tế châu Âu.

 

Sản phẩm gốm sứ cao cấp Minh Long I đã được Nhà nước Việt Nam chọn để tiếp khách tại Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, làm tặng phẩm khách quý Hội nghị ASEM 5-2005, Hội nghị thượng đỉnh APEC-2006 và Cúp Rồng Việt tặng Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đấu giá ủng hộ Quỹ Vì người nghèo... là sự minh chứng giá trị chất lượng văn hóa tuyệt hảo của Minh Long I cống hiến cho đất nước.

 

Theo ông Minh thì, Minh Long I làm mọi cách, kiên trì trong mọi việc để đưa hồn Việt vào sản phẩm nhằm đạt mục đích kép, không chỉ giáo dục thẩm mỹ về triết lý văn hóa Việt Nam ở trong nước, mà còn quảng bá truyền thống văn hóa Việt Nam ra nước ngoài...

 

Song cái mà chúng tôi muốn nói không chỉ dừng lại ở lẽ đó, cũng không phải ông Lý Ngọc Minh bây giờ là Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Anh hùng Lao động, hay mỗi năm ông bỏ ra bảy tám trăm triệu đồng phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ người nghèo, bà con vùng lũ bão, học sinh nghèo hiếu học... Cái mà chúng tôi muốn nói chính là gốm sứ Minh Long từ tinh thần say mê nghề nghiệp của ông Lý Ngọc Minh đã chuyển tải được tâm hồn người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong sản phẩm của mình, như món quà dâng hiến tổ tiên và để lại sau này cho muôn đời con cháu.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT