Non nước Việt Nam

Thưởng ngoạn những ngọn thác đẹp ở Đắk Nông

Cập nhật: 18/08/2008 09:08:55
Số lần đọc: 2023
Đắk Nông là tỉnh mới được thành lập từ năm 2004 trên cơ sở được chia tách từ tỉnh Đắk Lắk. Đến với Đắk Nông, du khách không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh vùng đất đỏ bazan trải dài ngút mắt, cảnh sông, suối, núi đồi hiền hòa và tĩnh mặc... mà còn “nghe” được tiếng gọi của đại ngàn cất lên từ những con thác hùng vĩ.

Đắk Nông còn có bề dày truyền thống bên cạnh không gian văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Nơi đây đang là điểm đến khá thu hút bước chân du khách...

Đắk Nông có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú như các dân tộc Ê Đê, Nùng, Tày... trong đó nhiều nhất là dân tộc M’Nông. Chính vì thế, đây còn là “quê hương” của nhiều sử thi và nhiều loại nhạc cụ như đàn T’rưng, chiêng đá, đàn nước... làm say đắm lòng người.

Từ TP. Hồ Chí Minh theo quốc lộ 14 khoảng 230 km, khách sẽ đến thị xã Gia Nghĩa- thủ phủ của tỉnh Đắk Nông. Nơi đây còn được mệnh danh là “phố núi” bởi những con đường thoai thoải, đồi nối tiếp đồi và những văn phòng, ngôi nhà nằm dưới những vòm cây thông ba lá êm đềm xanh đến ngút ngàn tầm mắt.

Giữa cái không gian chung của Tây Nguyên, thoạt nhìn Đắk Nông tưởng như không gì đặc sắc, thậm chí các dịch vụ du lịch còn quá nghèo nàn bởi đây là tỉnh mới chia tách được hơn 4 năm. Tuy nhiên, nếu đã từng đến với Đắk Nông, nhiều người phải thừa nhận rằng những ngọn tháp hùng vĩ nơi đây và nền văn hóa M’nông là những “sản phẩm du lịch” độc đáo, không “đụng hàng” với bất kỳ địa phương nào. Những ngọn thác hùng vĩ nơi này có sức thu hút mạnh mẽ khiến du khách đã đến đây đều chọn một tua thăm thác.

Điểm đầu tiên du khách thường đến là thác Dray Sáp, ngọn tháp hùng vĩ được cho là đẹp nhất Tây Nguyên. Thác Dray Sáp cùng với tháp Gia Long và khu du lịch Trinh Nữ là cụm cảnh quan đầu tiên được đưa vào khai thác du lịch. Thác cao 20m, trải dài khoảng 100m, được tạo bởi sự hợp lưu của dòng sông Chồng và sông Vợ. Ngày cũng như đêm, thác Dray Sáp ầm ào đổ nước tạo nên màn bọt nước trắng xóa. Nếu gặp người dân địa phương hay có hướng dẫn viên hướng dẫn, trên con đường quanh co men theo ngọn tháp, khách sẽ được nghe kể về câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích về ngọn tháp này.

Không xa thác Dray Sáp là thác Gia Long, không gian của ngọn thác này cô tịch đến mức khách chỉ nghe được tiếng nước đổ ầm ì, tiếng chim chóc và tiếng của trái tim mình ngân lên thổn thức. Ngọn thác này có tên là Gia Long bởi khi xưa vua Gia Long đã từng đến đây để nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng. Điểm đến tiếp theo tuyến du lịch này là thác Trinh Nữ. Theo những con đường bằng đá uốn lượn quanh ngọn tháp, khách có thể nghỉ chân trong những chiếc chòi mái lá xinh xắn, nghe câu chuyện về người con gái đã quyết tâm gởi thân mình vào dòng nước bạc khi chuyện tình yêu gặp nhiều trắc trở. Đăc biệt, nơi đây còn có những tảng đá bazan lớn có kết cấu như than đá mang những hình thù kỳ dị...

Đắk Nông còn nhiều ngọn thác đáng để thưởng ngoạn, mỗi ngọn mang một vẻ đẹp, một dấu ấn riêng, như: thác Diệu Thanh, thác Ba Tầng, thác Gấu, thác Ngầm... nhưng khi đã đến đây bạn cũng đừng bỏ qua dịp đi thăm quần thể di tích Nam Nâm Nung. Năm 2005, quần thể di tích Nam Nâm Nung thuộc khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Khu du lịch này có diện tích hơn 30km², kéo dài từ phía Tây Bắc địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đến Lâm trường Đắk N’tao và Khu bảo tồn Thiên nhiên Nâm Nung. Hầu hết rừng ở đây vẫn còn là nguyên sinh với các loại gỗ như Kiền Kiền, Sao, Bạch Tùng, Dẻ, Du Sam, Trâm, Chò Xót...

Khu di tích Nâm Nung hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích từ thời kháng chiến chống Mỹ, như hầm, hào hình chữ Z, bếp Hoàng Cầm... Vào khu trung tâm, khách sẽ gặp một quần thể kết cấu nhà và hầm nối tiếp nhau...

Tuy nhiên, đến Đắk Nông, đi thăm thác và quần thể Nam Nâm Nung, du khách chỉ mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của phong cảnh đại ngàn. Muốn hòa được tâm hồn mình vào vùng đất này, bạn không thể bỏ qua làng văn hóa đồng bào dân tộc M’Nông. Từ thị xã Gia Nghĩa, theo quốc lộ 14 về Buôn Mê Thuột 28 km, rẽ trái một đoạn, bạn sẽ gặp làng văn hóa đồng bào dân tộc M’Nông. Khi đến đây, khách hãy dừng chân tại buôn (bon) Bu Prâng - nơi còn lưu giữ hơn 200 pho sử thi M’Nông có giá trị nhân văn lớn.

Buổi tối, khách và chủ sẽ quây quần bên bếp lửa, cùng chung ché rượu cần ngất ngây. Tiếng kể chuyện rì rầm và tiếng hát vút cao sẽ đưa hồn bạn đến với những truyền thuyết đẹp của gió ngàn:

... Chiều bên dòng Serepok, đi giữa hàng cây khô khốc
Nghe tiếng con chim prô-tốc, prô-tốc, prô- tốc.
Nhìn gốc Pơlăng, dạo miếng đàn krông- pút ...

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT