Hoạt động của ngành

Thanh Hoá: Hướng tới Lễ hội Lam Kinh 2008

Cập nhật: 21/08/2008 08:08:56
Số lần đọc: 2825
Lam Kinh 2008 - Lễ hội gắn liền với ba sự kiện lịch sử rất quan trọng, đó là kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi. Lễ hội được tổ chức vào sáng 21/9/2008 tại sân điện Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá) với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, bên cạnh đó là các hoạt động tổ chức Hội trại các làng văn hoá, trưng bày bảo tàng, triển lãm, thư viện, du lịch phục vụ lễ hội.

Lam Kinh – hay còn gọi là Tây Kinh của Vương Triều Hậu Lê, được khởi công xây dựng từ năm 1433 tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Lam Kinh là nơi phát tích, đồng thời là Thái miếu của Triều đại nhà Hậu Lê gắn với các cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổi tiếng trong  lịch sử dân tộc.

 

Thông qua việc tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2008, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hoá tiếp tục khơi dậy và giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tri ân công lao sự nghiệp vĩ đại của anh hùng dân tộc Lê Lợi. Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế người sáng lập vương triều Hậu Lê, một triều đại tồn tại lâu nhất với hơn 360 năm trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Bên cạnh đó, khẳng định ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh, khẳng định công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, một người đức độ, giàu lòng yêu nước, có tầm nhìn xa trông rộng, nên trước cảnh cùng cực, khốn quẫn của muôn dân dưới ách thống trị tàn bạo của giặc Minh ông đã “ngầm nuôi chí lớn” để giành lại giang sơn.

 

Vào ngày mùng hai tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418) trong ngày Tết Nguyên đán, tại đất Lam Sơn, Lê Lợi cùng những người thân tín đã chính thức dựng cở khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp cả nước kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng dưới cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước. Gặp bao khó khăn vì lực lượng còn thiếu thốn, song dưới ngọn cờ đại nghĩa “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã lan toả khắp mọi vùng miền, “hợp trí hợp mưu” của nhân tài cả nước. Sau 10 năm gian khổ “nếm mật nằm gai” bằng lối đánh “lấy ít địch nhiều”, “mưu phạt tâm công” bằng những chiến thắng ở Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm tiêu diệt hàng chục vạn viện binh giặc, cuối cùng 22/11 năm Đinh Mùi (10/12/1427), tên bại tướng nhà Minh,  Vương Thông đã phải chính thức từ bỏ dã tâm xâm lược, xin rút quân về nước tại hội thề Đông Quan.

 

Ngay sau đó, 15/4/1428, tại điện Kính Thiên, Đông Đô (Hà Nội), thuận theo lẽ trời hợp với lòng người, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, xưng là “ Thuận Thiên thừa vận Duệ văn anh vũ đại vương”, đặt tên nước là Đại Việt, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá thiên hạ ban “Bài cáo bình Ngô”. Với sự nghiệp bình Ngô thắng lợi, chấm dứt 20 năm thống trị tàn bạo của giặc Minh, sáng lập ra triều Hậu Lê (kéo dài hơn 360 năm) mở ra thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của đất nước trong thời phong kiến tự chủ, Lê Lợi xứng đáng là Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế anh minh trong lòng người dân.

 

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức từ năm 1433, ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào 22/8 (AL) năm Quí Sửu, táng tại đất Lam Sơn. Để thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho xây dựng điện, các toà Thái miếu để thờ cúng, vì thế Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.

 

Trải qua bao năm tháng chiến tranh cùng sự huỷ hoại của thời gian, các công trình kiến trúc ở Lam Kinh dần đổ nát, hoang phế, các sinh hoạt lễ hội cũng dần bị mai một. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị Chính phủ cho phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích. Qua 14 năm ngân sách Nhà nước và tỉnh Thanh Hoá đã đầu tư trên 50 tỉ đồng cho các công trình như xây dựng nhà bia, lăng mộ, đường nội bộ, đền thờ Lê Thái Tổ, đền thờ Lê Lai, xây dựng cầu Bạch … Từ 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên hàng năm với quy mô hoành tráng, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh về nơi cội nguồn của vùng đất Lam Sơn lịch sử.

 

Được biết, để chuẩn bị cho Lễ hội Lam Kinh 2008, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các ban ngành dồn sức hoàn thành một số hạng mục cơ bản như lát sân Rồng bao nền bằng gạch bát, gạch vồ sản xuất theo phương thức thủ công trên diện tích hơn 3.000m2, lát đá đường thần đạo trên sân rồng, đổ nền bê tồn, lát đá, gạch sau các toà miếu lên trước lăng Lê Thái Tổ … Bên cạnh đó chuẩn bị tốt nội dung kịch bản lễ hội nêu bật 3 sự kiện lịch sử quan trọng nêu trên và gắn với nội dung Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Thanh Hóa phát huy hào khí Lam Sơn trong thực hiện CNH, HĐH xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Thông qua Lễ hội Lam Kinh 2008, tỉnh Thanh Hoá cũng mong muốn tuyên truyền nhằm quảng bá truyền thống lịch sử, văn hoá, hình ảnh về con người, thiên nhiên  cũng như phát huy lòng tự hào về truyền thống quê hương của con người xứ Thanh ở trong và ngoài nước.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục