Nhìn ra thế giới

Những cây cầu tình tại Tây Hồ -Hàng Châu (Trung Quốc)

Cập nhật: 02/10/2008 14:10:10
Số lần đọc: 3648
Hàng Châu - thành phố văn hoá lịch sử nổi tiếng, một trong 7 cố đô của Trung Quốc - được coi là “thiên đường giữa chốn nhân gian”. Hàng Châu đẹp nổi tiếng một phần cũng vì có cảnh sắc Tây Hồ làm mê hoặc lòng người. Tây Hồ đẹp, cái đẹp của sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên và bàn tay con người tạo nên.

Tây Hồ là hòn ngọc của thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh lỵ Chiết Giang- miền Đông Trung Quốc, ba mặt giáp núi, nước hồ xanh mát, có hai đê dài lấy tên của nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc là Tô Đông Pha và Bạch Cư Dị, tức là Đê Bạch và Đê Tô. Hai con đê này giống như hai vành đai màu xanh nổi trên hồ, du khách đi trên đê, nhìn gần hoa nở như gấm, nhìn xa núi hồ xanh biếc, được ngắm nhìn phong cảnh thay đổi theo từng bước đi. Phong cảnh bốn mùa của Tây Hồ rất đẹp, làm cho nhiều nhà thơ các triều đại say mê, hết lời ca ngợi vẻ đẹp của Tây Hồ. Nhà thơnoir tiếng Tô Đông Pha đã từng nói: “Hàng Châu có Tây Hồ cũng giống như con người có khuôn mặt...Hàng Châu không có Tây Hồ cũng giống như người ta mất đi khuôn mặt vậy”.

 

Cùng với nhiều cảnh đẹp, Tây Hồ còn ghi dấu với những câu chuyện tình của nhiều đôi trai tài gái sắc. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu về ba cây cầu của Tây Hồ, mỗi cây cầu này đều khoác lên mình chiếc áo của lịch sử thời gian cùng với những truyền thuyết, những câu chuyện tình yêu nổi tiếng trong dân gian.

1. Cầu Đoạn (Broken Bridge):

Cầu Đoạn là một trong 10 cảnh đẹp của Tây Hồ. Vào mùa đông, khi những bông tuyết trên mặt cầu bắt đầu tan chảy dưới ánh mặt trời thì dưới gầm cầu tuyết trắng vẫn còn phủ chặt. Người ta gọi cảnh đẹp đó là: “Tuyết tàn cầu Đoạn”. 

Cầu Đoạn (theo tiếng Hán chữ “đoạn” ở đây có nghĩa là đứt, gãy; đoạn trong từ đoạn trường) vốn có tên là cầu Bảo Hựu, lại có tên khác là cầu Đoàn Gia (gia đình đoàn tụ) hay cầu Đoản (cầu ngắn). Cây cầu này gắn với một câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất của Trung Quốc là “Truyện Bạch Xà” mà tại Việt Nam chúng ta quen gọi là “Thanh Xà - Bạch Xà”. Tương truyền, chính tại cây cầu này nàng Bạch Tố Trân và chàng Hứa Tiên đã gặp nhau, đem lòng yêu thương và trở thành vợ chồng.

Câu chuyện vui buồn gặp nhau rồi lại chia tay nhau tại cầu Đoạn - Tây Hồ của Bạch Nương và Hứa Tiên làm xúc động không biết bao nhiêu du khách, làm cho Tây Hồ càng quyến luyến lòng người.

Cuộc tình này đã phải trải qua nhiều sóng gió mới có thể tương phùng. Chính vì vậy, cầu Đoạn đã trở thành một trong những cây cầu nổi tiếng nhất của Tây Hồ.

2. Cầu Trường (Long Bridge)

Cây cầu Trương gắn với mối tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài được lưu truyền tại Trung Quốc.

 

Theo tiếng Hán Việt thì từ “trường” có nghĩa là dài. Thế nhưng cây cầu này lại có chiều dài không tới 100m. Tại cây cầu này đôi bạn trẻ Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài quyến luyến không rời, họ cùng nhau đi qua đi tới 18 lần trước khi nói lời tạm biệt. Vì thế có câu:

 

Trường kiều bất trường tình nghĩa trường.
Đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn


Hàm ý nói rằng: “Cầu Trường không dài nhưng tình nghĩa dài. Cầu Đoạn không gãy mà khiến lòng người đau như đứt từng khúc ruột ”.

Cầu Trường này còn có một cái tên khác là Cầu Song Đầu (có thể hiểu nôm na là cây cầu mà hai người nhảy xuống tự sát). Người ta kể rằng vào một đêm trăng sáng giữa thế kỷ XII sau công nguyên, một đôi trai gái tên là Vương Sinh và Đào Nữ đã đến cây cầu này và cùng nhau nhảy xuống tự tử. Kể từ đó Song Đầu trở thành cái tên mà dân gian đặt cho cầu Trường.

3. Cầu Tây Lãnh (Xi Ling Bridge)

Cầu Tây Lãnh còn có tên gọi là cầu Tây Lâm, nơi đây lưu truyền câu chuyện tình yêu của nàng Tô Tiểu Tiểu và Nguyễn Úc.

Tô Tiểu Tiểu vốn là một kỹ nữ xinh đẹp và tài hoa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tô Tiểu Tiểu là người Tiền Đường (nay là Triết Giang - Hàng Châu), sinh ra trong một kỹ viện, không biết bố là ai và mặc nhiên nàng trở thành một kỹ nữ. Tô Tiểu Tiểu hết sức xinh đẹp, tư chất lại thông minh, có tài cầm kỳ thi họa nên nàng sớm trở thành một kỹ nữ nổi tiếng nhất Hàng Châu thời bấy giờ.

 

Tô Tiểu Tiểu vốn yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, ngại vì đường xá khó đi nàng tự chế ra một cỗ xe cho mình và đặt tên là “Du bích xa”. Nàng thường ngồi trên chiếc du bích xa thưởng lãm cảnh đẹp Tây Hồ. Một hôm, trên đường ngắm cảnh trời mây nàng gặp một chàng trai cưỡi ngựa hoa, cả hai thoáng nhìn đã rung động nhưng không tiện trao lời. Tô Tiểu Tiểu chỉ ngâm nhỏ bốn câu thơ:

 “Thiếp thừa du bích xa

Chàng thừa thanh thông mã

Hà xứ kết đồng tâm

Tây Lãnh tùng bá hạ”

Có ý rằng: “Thiếp ngồi trên xe du bích, chàng ngồi trên yên ngựa, biết có nơi nào kết đồng tâm được, có chăng dưới bóng cây tùng bên cầu Tây Lãnh”

Sau buổi gặp gỡ đó hai người đã sớm kết nên duyên. Nguyễn Úc, vốn là con trai của quan thượng thư bộ Lễ, vâng lệnh cha đi công cán ở vùng Triết Đông, dừng chân ngắm cảnh Tây hồ mà nên duyên với nàng Tô Tiểu Tiểu. Nhưng không may sau đó cha của Nguyễn Úc có việc khẩn của triều đình nên phải cho người gọi chàng về gấp. Kể từ đó bặt vô âm tín của chàng, Tô Tiểu Tiểu vì nhớ thương Nguyễn Úc mà sinh bệnh mất khi tuổi vẫn còn rất trẻ. Theo tâm ý của cô, người ta an táng Tô Tiểu Tiểu ở bên cầu Tây Lãnh - nơi ghi dấu cuộc gặp mặt đầu tiên của nàng và Nguyễn Úc. Từ đó, bên bờ Tây Hồ lại có thêm một thắng cảnh cho người đời lui tới.

Cầu Đoạn, cầu Trường và cầu Tây Lãnh đã kết thành 3 cây cầu tình nhân nổi tiếng nhất của Tây Hồ. Đến với Hàng Châu, đi qua mỗi cây cầu này du khách không chỉ được ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời của thiên nhiên và tạo hóa nơi đây, mà còn hiểu hơn về những cái hay, cái đẹp trong văn hóa của Trung Quốc thông qua những câu chuyện kể dân gian.

 

Nguồn: TT&VH

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT