Non nước Việt Nam

Về vùng đặc sản nếp tan Tú Lệ (Yên Bái)

Cập nhật: 10/10/2008 08:10:18
Số lần đọc: 2166
“Tú Lệ gạo trắng nước trong Ai lên đến đó thì không muốn về” - Câu ca như mời gọi du khách tìm về Tú Lệ, mảnh đất miền Tây của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như cao nguyên Đà Lạt với phong cảnh hữu tình bên những cánh đồng lúa vàng óng phơi màu trong nắng và những câu chuyện thần bí của tộc người Thái xưa kia.

Từ trung tâm huyện lỵ Văn Chấn ngược theo quốc lộ 32 đi Mù Cang Chải chừng 40 cây số, vượt qua cung đường uốn lượn vắt ngang những đỉnh núi mây mù đưa du khách đến với thị tứ Tú Lệ sầm uất. Đứng trên đèo Cao Phạ nhìn xuống, Tú Lệ đẹp như một bức tranh sơn thuỷ với những ngôi nhà sàn khuất bóng, ẩn hiện bên những triền lúa mênh mông. Thu sang, cả thung lũng ấy lại ngập tràn một màu của nắng vàng lẫn trong màu lúa chín.

 

Nhấp ngụm rượu thơm nồng cùng nắm xôi dẻo quánh với gà đồi, ăn thìa cháo cốm vịt xanh béo ngậy được chế biến từ nếp Tú Lệ (theo tiếng địa phương gọi là Tan Lả) để rồi say mềm trong điệu xoè điệu khắp của em gái Thái. Qua giọng kể của già làng Hoàng Văn Sói, lúc trầm lúc bổng đưa ta về với dĩ vãng, với truyền thuyết về Tan Lả - thứ hạt đã gắn bó bao đời với người dân Tú Lệ.

 

Tương truyền có một tộc người Thái được tiên ông cho một coóng thóc quý và dặn phải tìm được mảnh đất thích hợp để gieo trồng thì thóc  mới mọc thành cây và cho hạt gạo dẻo thơm. Nhớ lời tiên dạy, người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến đâu thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng nơi thì hạt không nảy mầm, chỗ thì cây không trổ bông hoặc có hạt thì không dẻo thơm như lời tiên dặn. Một ngày kia, tộc người Thái tới chân đèo Cao Phạ thì dừng chân bên suối Mường Lùng lấy nước, thấy nước trong mát và ngọt lịm, nhìn lên là thung lũng tươi tốt với nhiều hoa thơm quả ngọt, khí hậu trong lành. Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại vỡ đất trồng lúa, lấy nước từ con suối Mường Lung tưới cho cánh đồng. Quả nhiên thóc quý đã nảy mầm xanh tốt, cuối vụ bông nào cũng to hạt mẩy, đem ra cối giã thấy trắng và thơm nức, cho vào chõ gỗ xôi thì dẻo thơm lạ kỳ.

 

Từ đó đến nay, nếp Tan Lả đã gắn bó không thể thiếu với người Thái Tú Lệ và trở thành món ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Các món ăn chế biến từ gạo nếp như xôi, cốm đã trở thành đặc sản bán tại khu vực thị tứ Tú lệ. Nhờ hạt nếp thơm và con suối mát Mường Lung trong xanh hiền hoà mà thanh niên trong làng vạm vỡ khoẻ mạnh, bước chân băng rừng lội suối không biết mỏi, con gái trong làng thắt đáy lưng ong, làn da trắng ngần, tóc dài và đen nhánh, miệng cười như hoa rừng mùa xuân, giỏi thêu thùa nội trợ.

 

Cùng từ đó mà tiếng thơm của nó đã bay xa tới chín bản mười mường và trở thành đặc sản nổi tiếng trong cả nước. Du khách mỗi khi qua đây không ai bỏ lỡ dịp thưởng thức món xôi nóng ăn cùng thịt nướng và nhâm nhi chén rượu cất từ nếp quý. Để tưởng nhớ đến người đã khai hoang lập ấp, dạy con cháu cách trồng cấy lúa nước, hàng năn vào ngày 15 thánh chạp Âm lịch, người dân lại tổ chức lễ hội Lồng Tồng, các con cháu trong bản lại quây quần tề tựu bên nhau.

 

Để có chương trình dài hơn cho vùng đặc sản Tú Lệ, huyện Văn Chấn đã phối hợp với Sở khoa học công nghệ và viện Nông nghiệp 1 phục tráng giống nếp Tú Lệ với năng suất cao, sạch bệnh. Rồi đây khắp khu vự thị tứ ấy sẽ ngày một sầm uất hơn, người Thái Tú Lệ dịu dàng mến khách, chén rượu thơm nồng từ tay thiếu nữ thái e ấp đôi má ửng hồng hẳn sẽ không quên với mỗi du khách khi có dịp qua đây.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT