Non nước Việt Nam

Rộn ràng đêm Hạn Khuống – Yên Bái

Cập nhật: 16/10/2008 15:46:04
Số lần đọc: 2090
Tuần Văn hoá - Du lịch Mường Lò năm 2008 này, sinh hoạt Hạn Khuống của người Thái được coi là một trong những hoạt động chính. Hạn Khuống - một sinh hoạt văn hoá cổ xưa có hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai mang tính đại chúng sẽ làm cho mỗi người thêm yêu, say cuộc sống.

Nếu ai chưa từng đến với Văn Chấn, Nghĩa Lộ, bắt gặp cánh đồng Mường Lò quanh năm bát ngát lúa, ngô, xứ sở của hoa ban và những điệu khắp trữ tình với vòng xoè nồng say thì chưa thể biết tới một nền văn hoá phong phú, đa dạng và lâu đời của người Thái Mường Lò. Trong đó, Hạn Khuống là một sinh hoạt văn hoá tiêu biểu. Tuần Văn hoá Du lịch Mường Lò 2008, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương chuẩn bị rất chu đáo cho Lễ hội Hạn Khuống để khách thập phương gần xa thêm hiểu, thêm yêu đất và người Yên Bái – Mường Lò.

Yêu lao động, yêu văn nghệ, yêu cuộc sống, từ xa xưa đồng bào dân tộc Thái, ngoài căn nhà sàn thân quen của mình khi tiết trời sang xuân, dựng một cái sàn làm bằng tre, gỗ ở nơi đất trống của bản gọi là Hạn Khuống để hát khắp đối đáp. Trên sàn người ta chuẩn bị dụng cụ cho nữ: xa quay sợi, cán bông, kéo sợi, vải, chỉ để thêu thùa, củi để đốt bếp lửa. Dụng cụ cho nam gồm: lạt xanh, đỏ, trắng để đan hom, đan giỏ, đan ớp, hoặc đan các con vật để tặng bạn gái; ống điếu, đóm, thuốc lào. Ngoài ra, còn có các vật dụng đan chài, đan vợt xúc...và một số nhạc cụ: khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo...

Sàn Hạn Khuống cao khoảng 1,5 m, rộng 0,6 m, dài 5m xung quanh có lan can trang trí hoa văn, giữa sàn có một cây nêu làm bằng cây tre to, dài để cả phần ngọn còn nguyên lá và trang trí các con giống đủ màu gọi là “Lắc xáy chính”. Cây “Lắc xáy chính” này mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn có bốn cây nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc xáy”. Tại 4 góc sàn đều có thang lên xuống. Sàn được gọi là “Sàn hoa Hạn Khuống”.

Chủ Hạn Khuống thường là những thiếu nữ xinh đẹp, nết na, duyên dáng có tài hát ứng đối và được gọi là “Xao tổn khuống”. Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn được nhóm lên, ngọn lửa cháy rực cả góc bản cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên xuống, vừa kéo sợi vừa ra vế đối với các chàng trai. Vậy là cuộc thi tài bắt đầu! Các chàng trai muốn lên được sàn hoa phải thắng trong cuộc hát đối đáp với các cô chủ Hạn Khuống. Lời hát đối đáp thường lấy trong truyện thơ “Xống chụ xon xao”, “Tản chụ xống xương”, “Tản chụ xiết xương...” Cũng có khi lời đối đáp là lời ứng tác giữa hai bên.

Khi đã cảm phục tài của các chàng trai trong đối đáp, các cô gái thả thang xuống mời các bạn trai lên. Lên Hạn Khuống rồi, bên gái không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi. Khi được ghế lại xin điếu thuốc...Sau một loạt bài khắp đối đáp, các chàng trai vượt qua được thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui. Lúc này, các chàng trai và cô gái nào thấy có cảm tình thì đến bên nhau. Cô gái thêu thùa kéo sợi, cán bông... còn chàng trai đan giỏ, đan hom...thổi sáo tâm tình.

Mọi người già, trẻ lúc này đều có thể lên được Hạn khuống, có việc gì làm việc nấy, vừa hát, vừa trò chuyện đầm ấm quanh bếp lửa. Đêm về khuya, những người có tuổi và trẻ em lần lượt ra về. Các thanh niên nam nữ vai kề vai bên bếp lửa tâm sự thâu đêm. Càng về khuya lửa tình càng nồng thắm. Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày với phong phú hình thức vui chơi giải trí như: tung còn, múa xoè...Nhưng đêm đến, sinh hoạt chủ yếu của Hạn Khuống là hát giao duyên.

Cùng với hát đối đáp, đám đông nhiều khi cất tiếng hò phụ họa làm cho không khí vô cùng náo nhiệt. Hạn Khuống tan là lúc cô "Sao tổn khuống” hát bài chia tay. Mọi người tắt bếp lửa mang dụng cụ ra về. Cô “Sao tổn khuống" cất thang, cuộc sinh hoạt Hạn Khuống tạm dừng nhưng dư hưởng còn theo mãi. Sinh hoạt Hạn Khuống được người Thái Mường Lò qua bao thế hệ đón nhận nồng nhiệt. Hạn Khuống đem lại một giá trị tinh thần to lớn cho đời sống, tình cảm của mỗi người.

Cùng với múa xoè, hát khắp...Hạn Khuống là hoạt động văn hoá cổ truyền của người Thái Mường Lò mới được khôi phục lại. Hoạt động này được tổ chức trong Tuần Văn hoá Du lịch là dịp để du khách bốn phương hiểu thêm về một nét tinh hoa văn hóa của người Thái Mường Lò.

Nguồn: website báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT