Hoạt động của ngành

TP. Hồ Chí Minh – Bình Thuận – Lâm Đồng: Liên kết phát triển du lịch

Cập nhật: 08/12/2014 08:57:31
Số lần đọc: 1499
Ngày 5/12, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết lần thứ nhất về thực hiện chương trình liên kết tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Thuận-Lâm Đồng (giai đoạn 2013-2018).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có 60% doanh nghiệp lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đưa khách đến tham quan, nối tuyến tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.

Đây được xem là một trong những tour du lịch nội địa phổ biến và khai thác hiệu quả kinh tế nhất hiện nay.

Thống kê từ một số doanh nghiệp lữ hành hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2014 thành phố đã đưa hàng chục triệu lượt khách nội địa và quốc tế đến Lâm Đồng và Bình Thuận, nhiều nhất là Công ty Saigontourist có 15.832 lượt khách đi Đà Lạt (tăng gần 4.000 lượt) và khoảng 17.000 lượt khách đi Bình Thuận (tăng hơn 6.000 lượt)…

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Lâm Đồng- Bình Thuận đã liên kết hợp tác hiệu quả, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược liên kết phát triển du lịch, đã và đang được các địa phương nghiên cứu và học tập.

Tuy nhiên, so với các giai đoạn trước, số lượng các dự án đầu tư về du lịch, tốc độ tăng trưởng và nguồn vốn từ các nhà đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Thuận và Lâm Đồng có dấu hiệu tăng chậm, bão hòa; hầu hết các dự án đang trong tình trạng đưa vào khai thác, trùng tu và nâng cấp.

Việc phân bố các dự án đầu tư chưa đồng đều tại các khu vực, do đặc điểm điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng của từng vùng khác nhau. Chất lượng dịch vụ du lịch một số điểm đến chưa cao, chưa đồng đều…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất nhằm duy trì và phát huy những kết quả đạt được đồng thời khắc phục hạn chế, trong giai đoạn 2014-2015, các địa phương cần nỗ lực hơn trong việc hoạch định, xây dựng chương trình hợp tác cụ thể ở các lĩnh vực như: đầu tư, xúc tiến quảng bá; liên kết phát triển sản phẩm mới; đào tạo nguồn nhân lực.

Các đại biểu dự hội nghị cũng cho rằng, các cơ quan quản lý du lịch cần thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển mỗi địa phương./.
Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục