Hoạt động của ngành

Huyện Con Cuông (Nghệ An): Khôi phục dân ca, nhạc cụ dân tộc Thái

Cập nhật: 27/10/2008 08:25:40
Số lần đọc: 2572
Con Cuông là huyện biên giới, dân số hơn 66.000 người, trong đó dân tộc Thái chiếm 75%. Theo các già làng kể lại, trước đây mảnh đất trù phú này văn hóa Thái rất phát triển, nhất là các làn điệu dân ca như: Khắp, Lăm, Nhuôn. Cứ mỗi khi xuân về, Tết đến hay làng có chuyện vui là các nam nữ thanh niên và cả các ông, bà dù đã lớn tuổi vẫn rủ nhau vui múa hát, làm cho phong trào văn hóa-văn nghệ vùng này phát triển mạnh.

Khoảng vài chục năm nay, nhất là khi mở cửa làm ăn với thế giới, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, văn hóa ngoại lai tràn vào đang làm mai một các sắc thái văn hóa Việt nói chung, văn hóa dân tộc Thái nói riêng. Để thu hút lớp trẻ học và khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống, lâu nay qua các cuộc thi văn hóa nghệ thuật tại huyện Con Cuông, Ban tổ chức đã đưa sân khấu hóa và khuyến khích, chấm điểm cao cho các đơn vị, cá nhân biểu diễn các tiết mục văn hóa dân tộc đặc sắc. Đồng thời huyện đã khuyến khích và hướng dẫn các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội người cao tuổi tiến hành thành lập các câu lạc bộ như CLB đàn và hát dân ca Thái; CLB cồng, chiêng; CLB Lăm Khắp Nhuôn... Chủ trương này đã được cấp ủy và chính quyền ủng hộ, nhất là chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức, tạo kinh phí hoạt động. Bắt đầu từ Bản Tờ, xã Yên Khê do các cụ cao tuổi thành lập và sinh hoạt đều đặn hằng tháng. Từ câu lạc bộ đầu tiên ở Bản Tờ, các bản trong xã Yên Khê như Bản Nưa, Bản Pha... cũng thành lập các câu lạc bộ. Từ Yên Khê lan ra các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Bồng Khê, Lạng Khê, Mậu Đức, Thạch Ngạn... Đến nay toàn huyện đã có 12 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên. Các nghệ nhân cao tuổi nhiệt tình biểu diễn và dạy lại cho các cháu thanh, thiếu niên. Cụ Lô Tiến Lục ở Bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn, vừa có tài đàn hát lại rất khéo tay làm ra những chiếc khèn bè, sáo Pí và những nhạc cụ cổ truyền khác bằng tre, nứa và quả bầu gáo.

 

Từ khi có các câu lạc bộ ra đời, phong trào đàn, hát dân ca dân tộc Thái lan tỏa mạnh. Trước đây, các dụng cụ như cồng, chiêng chỉ lưu giữ như là đồ gia bảo, gần đây nhiều hộ gia đình, nhiều dòng họ đã bắt đầu tìm mua sắm. Ngay ở khu vực thị trấn, huyện cũng đang sưu tập thêm các bộ chiêng, trống. Nhiều người từ các bản Khe Rạn (Bồng Khê); Chòm Muộng (Mậu Đức); Chôm Lôm (Lạng Khê) tìm đến vùng Diễn Tháp, Diễn Hồng (huyện Diễn Châu) đặt mua các nhạc cụ. Các nghệ nhân như cụ Lô Tiến Lục (Thạch Ngàn), Ngân Thị Quý (Đòng Tiến, xã Lạng Khê); Lô Hữu Toàn ở Chòm Muộng (Mậu Đức) sẵn sàng bỏ công sức để tập và truyền lại cho con cháu. Huyện Con Cuông đang giao cho Đoàn thanh niên phối hợp với Hội người cao tuổi và Hội phụ nữ để đưa các làn điệu dân ca cổ truyền và hướng dẫn thanh niên làm quen, học và biết chơi các nhạc cụ dân tộc. Trung tâm văn hóa huyện thường xuyên phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát, cử đội nghệ thuật dân gian đến biểu diễn phục vụ khách du lịch.

 

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, để khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống thì sự cố gắng của các cụ là nghệ nhân cao tuổi, của cấp ủy và ban cán sự thôn, bản là chưa đủ. Vốn văn hóa truyền thống dân tộc Thái ở Con Cuông mới được nhen nhóm trở lại, nếu được Nhà nước và xã hội tiếp sức sẽ nảy nở, phát triển bền vững.

Nguồn: website QĐND

Cùng chuyên mục