Hoạt động của ngành

Bắc Hà (Lào Cai) bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá truyền thống

Cập nhật: 30/10/2008 14:10:52
Số lần đọc: 2805
Triển khai Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá các dân tộc" giai đoạn 2006 - 2010 của Đảng bộ huyện, Bắc Hà đã chủ động đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; xây dựng kế hoạch phù hợp thực tế địa phương.

Các ngành, các cấp tích cực đưa thông tin về cơ sở với nhiều hình thức phong phú: tuyên truyền miệng, kẻ vẽ pa nô, áp phích, chiếu phim lưu động, văn nghệ quần chúng… qua đó nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu đề án.

 

Thời gian qua, Bắc Hà phối hợp với các cấp, ngành khôi phục, bảo tồn phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. UBND huyện phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh hoàn thiện hồ sơ, tiến hành trùng tu tôn tạo di tích nhà cổ Hoàng A Tưởng với số vốn đầu tư trên 10,6 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đền Bắc Hà được mở rộng với kinh phí gần 5 tỷ đồng.

 

Tổ chức hướng dẫn 21 xã, thị trấn sưu tầm, bảo tồn trang phục, nhạc cụ dân tộc, các loại công cụ sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc đưa vào trưng bày tại nhà Hoàng A Tưởng và các nhà văn hoá cộng đồng. Đồng thời tổ chức giải thể thao đua ngựa, leo núi, khởi động chương trình "Du lịch về cội nguồn", phục vụ tuần lễ văn hoá - du lịch Bắc Hà.

 

Các lễ hội truyền thống: xuống đồng của người Tày Tà Chải, Na Hối duy trì tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm; Say Sán của người Mông; cúng rừng của người Nùng; cấp sắc của người Dao… ngày càng được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

 

Công tác sưu tầm bảo tồn các loại hình văn hoá dân gian truyền thống được tổ chức thông qua Hội thi "Giọng hát hay, trang phục đẹp các dân tộc huyện Bắc Hà" duy trì hàng năm thu hút nhiều người tham gia. Trong tháng 6/2008, Bắc Hà tổ chức "Tuần Văn hoá - Du lịch" giới thiệu các lễ hội dân gian tiêu biểu, những nét văn hoá đặc sắc các dân tộc, thu hút du khách tới tham quan, khám phá. Khách du lịch trong và ngoài nước được dịp tham gia, thưởng thức: rượu, thắng cố; lễ hội mận tam hoa, lễ hội sông Chảy, đua ngựa; tiếng sáo, khèn Mông; điệu xoè và ngắm sắc màu thổ cẩm rực rỡ…

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", huyện chỉ đạo cơ sở; hướng dẫn xây dựng quy ước, hương ước thôn bản tới 21/21 xã, thị trấn trong huyện. Năm 2006, Bắc Hà có 5.891/10.099 hộ đạt Gia đình văn hoá (chiếm 58,3%); 85/226 thôn bản đạt tiêu chuẩn văn hoá (26,5%); số cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá đạt gần 90%. Năm 2007 toàn huyện có 4.650 Gia đình văn hoá (46%); 83 thôn văn hoá (36,7%)…

 

Cuộc vận động này đem lại hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình tốt, kinh nghiệm hay và nhiều cá nhân điển hình tiên tiến được nhân rộng trên địa bàn, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội của từng khu dân cư. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội đã khởi sắc; loại bỏ dần các hủ tục rườm rà; thực hiện nếp sống mới, tiết kiệm, phù hợp bản sắc dân tộc.

 

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, Bắc Hà triển khai làm nhà văn hoá thôn bản, cụm dân cư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Nhà nước đầu tư bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống các dân tộc gắn với nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trong 2 năm 2006 - 2007, toàn huyện đã xây dựng 24 nhà văn hoá đặc trưng của người Tày, Nùng, Mông tại Na Hối, Tà Chải, Nậm Khánh, Bản Phố, Bảo Nhai, Cốc Lầu, Nậm Đét… tổng kinh phí 962 triệu đồng (vốn Nhà nước là 420 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp bằng hiện vật và ngày công lao động).

 

Đồng thời, chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá đã đầu tư 18 bộ thiết bị phục vụ các nhà sinh hoạt văn hoá thôn bản trị giá 155 triệu đồng. Những nguồn lực đó đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân. Các đội văn nghệ cơ sở duy trì luyện tập và tổ chức giao lưu, phục vụ nhân dân địa phương và khách du lịch…

 

Vượt lên khó khăn của một huyện vùng cao, trong thời gian tới, Bắc Hà tiếp tục tập trung khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá… Duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc, khôi phục hoạt động dân gian trở thành các môn thi đấu thể thao dân tộc. Thành lập các đội văn nghệ nòng cốt tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử, danh lam thắng cảnh: Đền Trung Đô (Bảo Nhai), Hang Rồng (Tả Van Chư)…

 

Bảo tồn, duy tu các nhà ở truyền thống, các chợ văn hoá và khôi phục các làng nghề và làng truyền thống: thổ cẩm, rèn đúc, nấu rượu… góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân và phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục