Hoạt động của ngành

Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm công nghiệp-du lịch-dịch vụ lớn

Cập nhật: 06/11/2008 09:11:03
Số lần đọc: 2752
Ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2008-2015.

Xây dựng Hải Phòng thực sự trở thành một thành phố cảng, có nền sản xuất công nghiệp hiện đại

 

Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó, phấn đấu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13,5-14%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18-19%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực đạt trên 50 triệu tấn; thu hút khoảng 9 triệu lượt khách du dịch; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn dưới 4%.

 

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

 

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; xác định các tiêu chí, lộ trình và đẩy mạnh xây dựng Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020; cơ chế, chính sách thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành kinh tế dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ có hàm lượng chất xám lớn...

 

Hải Phòng phát triển theo hướng trở thành Trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, Trung tâm Thương mại của vùng Bắc Bộ và cả nước... Nhằm phát huy thế mạnh là một thành phố biển, Hải Phòng chú trọng nâng cao chất lượng các ngành nghề biển, đặc biệt phát triển các ngành nghề mũi nhọn như cảng biển và kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, du lịch biển đảo... Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh; tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả cao.

 

Thành phố sẽ tập trung đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng lớn như bảo đảm tiến độ thực hiện Khu kinh tế Đình Vũ, coi đây là Dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nghiên cứu chuẩn bị đầu tư Quân cảng tại Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Cát Bi, các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, xây dựng đảo Bạch Long Vỹ trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá, xây dựng Đồ Sơn, Cát Bà cùng với Hạ Long thành khu du lịch quốc tế...

 

Qua 4 năm  thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng: Năm 2007 đạt mức 12,82%-mức tăng cao nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.

 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Năm 2007, dịch vụ chiếm 51,5%; công nghiệp 37,5%; nông-lâm-ngư nghiệp là 11%.

 

Các ngành thế mạnh của Hải Phòng (đóng mới và sửa chữa tàu, vật liệu xây dựng, dịch vụ cảng, vận tải...) phát triển nhanh.

Nguồn: Website Chính Phủ

Cùng chuyên mục