Hoạt động của ngành

Lạng Sơn: Định hướng nhu cầu văn hoá lễ hội đối với người dân

Cập nhật: 13/11/2008 08:11:19
Số lần đọc: 2747
Sinh hoạt văn hoá lễ hội là một nhu cầu tinh thần của nhân dân cần được đáp ứng. Bởi đây là dịp để mọi người đánh giá lại mình, đánh giá những kết quả đã gặt hái được trong một năm, và rồi đến mùa lễ hội này lại cầu mong đạt kết quả lớn hơn gấp bội.

Không những thế, thông qua lễ hội còn làm tăng tính cố kết cộng đồng, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong mỗi người.


Biểu hiện nhu cầu sinh hoạt văn hoá lễ hội của người dân là rất lớn. Điều này đã đặt ra cho những người làm công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần phải nghiên cứu cách thức tổ chức, quản lý sao cho đạt hiệu quả, nhưng không đi ngược với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

 
Theo thống kê, Lạng Sơn có hơn 160 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức hàng năm. Các lễ hội được tổ chức đều thu hút đông đảo các tầng lớn nhân dân địa phương và khách thập phương đến tham dự. Qua theo dõi thực tế cho thấy, đơn cử như người dân thành phố Lạng Sơn không chỉ hưởng ứng các lễ hội được tổ chức trong nội thành mà còn hành hương đi dự các lễ hội ở ngoại thành và ngoại tỉnh. Khi các lễ hội Đồng Đăng, Bắc Nga (Cao Lộc), lễ hội đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), được tổ chức… bên cạnh lượng  người dự lễ hội của địa phương thì người dân thành phố Lạng Sơn cũng chiếm một số lượng đáng kể. Đặc biệt trong lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn), trước ngày diễn ra lễ hội, nhân dân các khối phố đã tự tổ chức quyên góp tiền, sắm lễ lên cúng thần tại đền Tả Phủ. Có dòng họ, gia đình thì tự tổ chức riêng. Họ sắm lễ rất trang trọng. Trong những ngày có diễn ra rước kiệu, những dãy phố có kiệu thần rước qua, các gia đình còn sắm lễ rất chu đáo trước cửa nhà mình để cúng tế cầu thần phù hộ. Nếu đoàn rước kiệu, sư tử, múa rồng đi qua mà vào gia đình nào thì theo quan niệm của nhân dân năm đó sẽ làm ăn phát đạt, may mắn cả năm. Bởi lễ hội Kỳ Lừa có một ý nghĩa rất đặc biệt với mảnh đất biên cương xứ Lạng. Từ việc hiểu biết về lễ hội này dẫn chúng ta đến hiểu được một cách bao quát và khá tổng thể truyền thống, lịch sử hình thành mảnh đất thành phố Lạng Sơn mà người có công đầu tiên khai lập ra khu phố chợ Kỳ Lừa là Tả đô đốc Hán Quận Công Thân Công Tài. Để rồi các thế hệ kế tiếp dựng xây trở nên sầm uất, đô hội…

           
Sơ lược như trên cũng phần nào thấy được nhu cầu văn hoá lễ hội là một thực tế trong cuộc sống của nhân dân. Nắm bắt được nhu cầu này, nhìn từ góc độ quản lý, chúng ta cũng dễ dàng huy động được tinh thần và vật lực trong công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, hoạt động lễ hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chính nhân dân sẽ là người góp phần  tổ chức, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp một cách hiệu quả nhất.

 

Thời gian cho một mùa lễ hội 2009 lại sắp bắt đầu. Do đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan hữu trách cần có những định hướng cụ thể hơn nữa về nhu cầu văn hoá lễ hội cho người dân ngay từ những tháng quý cuối năm này. Đó là, quan tâm đến việc tuyên truyền, giới thiệu lịch sử các di tích, nguồn gốc các lễ hội để tăng thêm niềm tự hào và ý thức bảo tồn cho mọi người. Vì một thực tế là, rất nhiều người, kể cả người địa phương đến với lễ hội, di tích nhưng không biết đến ý nghĩa của nó, huống chi là du khách thập phương; tăng cường nghiên cứu kỹ hơn về lịch sử của các lễ hội để việc tổ chức làm sao giữ được những nét truyền thống nhất, đáp ứng tốt nhu cầu văn hoá lễ hội của nhân dân. Nên chăng, cần tổ chức trưng cầu ý kiến của nhân dân một cách rộng rãi để thống nhất hình thức tổ chức phù hợp. Tránh tình trạng tổ chức lấy lệ theo kiểu "đến hẹn lại lên"; tôn trọng những sự tích, truyền thuyết trong tâm linh nhân dân từ ngàn xưa để lại, không nên lược bớt nội dung, trình tự của lễ hội một cách chủ quan. Làm như vậy, việc dần đánh mất bản sắc truyền thống của lễ hội là không thể tránh khỏi. Ban tổ chức cũng tránh rơi vào chuyện làm thay phần việc của nhân dân, nên giữ vai trò giám sát và hỗ trợ là chính. Khuyến khích tính tự nguyện của nhân dân để chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá ngày càng thiết thực, đi vào cuộc sống.       


Khi chúng ta nắm bắt được nhu cầu văn hoá lễ hội của người dân và có những định hướng đúng đắn, coi "lễ hội là tài nguyên du lịch văn hoá" sẽ có được những kiến giải cụ thể nhằm khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ như hiện nay cũng như góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục