Hành trang lữ khách

Sóc Trăng: Vùng đất đậm sắc màu văn hóa cộng cư ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa

Cập nhật: 12/11/2008 08:11:21
Số lần đọc: 3942
Lâu nay, khi nói đến tỉnh Sóc Trăng, nhiều người nghĩ đến các chùa Khmer nổi tiếng như chùa Chén Kiểu, chùa Dơi hay chùa Đất Sét, hoạt động lễ hội Chol Chnam Thmay, Ok-om-bok, đua ghe ngo vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, lễ hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách… Song, vùng đất này còn có điểm đặc sắc là sự cộng cư và giao thoa của ba nền văn hóa dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.

Theo tiến sĩ Trịnh Công Lý, nhà sử học, người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử vùng đất Sóc Trăng, thì nơi đây là một vùng đất mới được các cư dân người Việt đến khẩn hoang chỉ trong vòng 300 năm trở lại đây. Cùng với các biến động lịch sử trong thời kỳ này, các dân tộc như Chăm, Hoa và Khmer bản địa trong quá trình cộng cư đã hình thành nên một nét văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt và có thể gọi là “Văn hóa xứ Giồng”. Nét văn hóa này, ngày nay vẫn còn tồn tại khá rõ nét nếu du khách có dịp đi ngang qua con đường Giồng Cát từ xã Vĩnh Châu đến xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu. Bên cạnh các phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà tường khá khang trang, bên ngoài có dán “giấy hồng”, đặc trưng của người Hoa, nằm trong các khu vực tập trung đồng bào Khmer có nơi lại có những ngôi đình, chùa mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Nhiều nơi còn có cả những ngôi trường do người Hoa lập ra để dạy tiếng Hoa cho con em họ. Ông Sơn Dêm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, dẫn chứng: Chỉ riêng xã Vĩnh Châu, tỷ lệ hộ dân người Khmer chiếm 77%, người Hoa chiếm 21,3%, còn lại là dân tộc khác. Chính vì nét đặc thù này đã tạo nên nét văn hóa pha trộn giữa ba dân tộc Kinh- Khmer-Hoa, hiện được xem là “đặc sản” của huyện Vĩnh Châu nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

 

Theo tài liệu tra cứu được tại Thư viện tỉnh Sóc Trăng, kể từ khi những người Minh Hương đến cư ngụ tại tổng Khánh Hưng, đã có sự giao hòa trong cuộc sống với người Khmer bản địa qua giao tiếp, qua ngôn ngữ và cả quan hệ huyết thống. Nhiều địa danh còn lưu giữ ở Sóc Trăng ngày nay đã phản ánh phần nào mối quan hệ này như làng Xoài Ca Nả, làng Bố Thảo,... Đặc biệt, kiến trúc của chùa Xà Lôn (chùa Chén Kiểu )ở Đại Tâm, Mỹ Xuyên cũng thể hiện sự pha trộn văn hóa này. Nếu xem xét kỹ thì hình rồng được đắp trên các cột của chính điện Chùa Chén Kiểu đã không còn là “rồng truyền thống” trong hình ảnh dân gian Khmer mà có sự ảnh hưởng của người Hoa. Chín đôi cột cũng đã có cách giải thích khá lý thú về đặc thù cộng cư của các tộc người trong vùng, gắn liền cách lý giải về sông Cửu Long của người Việt.

 

Từ thực tế đó, ngày nay, không ít người dân, đặc biệt là những hộ kinh doanh, mua bán nhỏ, để tiện giao dịch, làm ăn, họ phải nói được cả 3 thứ tiếng Việt – Khmer - Hoa. Một điều khá thú vị là không ai có thể nhớ ra rằng, là cả ba dân tộc sinh sống trên vùng đất này đều xem lễ, tết của dân tộc nhau như của dân tộc mình từ lúc nào. Trong đó, không ít người Việt lẫn người Hoa đã trở thành phật tử của chùa Khmer - Hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Khleang, đã khẳng định như thế.

 

Sự giao thoa giữa ba nền văn hóa này còn hiện diện trong những món ăn thường nhật. Có những món đã trở thành đặc sản của Sóc Trăng ngày nay như bún nước lèo. Món “bún nước lèo” đặc sắc của Sóc Trăng từng đạt giải nhất tại Liên hoan du lịch Mekong cũng chính là món ăn mang nặng tính “giao thoa” giữa các khẩu vị, món ăn của cả ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Sóc Trăng. Vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc, hương vị mặn mà, đậm đà của mắm Pro-hốc của người Khmer được ăn kèm với bắp chuối non, rau muống thái sợi, giá sống thì đích thị là cung cách của người Kinh, nhưng vài miếng bì heo quay giòn giòn, dai dai, béo béo lại đúng là của người Hoa.

 

Những năm gần đây, Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, như đầu tư phục dựng và bảo tồn nghệ thuật dù kê, Rôbăm của đồng bào dân tộc Khmer. Phòng Văn hóa các huyện thường xuyên tổ chức và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội ca múa nhạc, các nghệ nhân người Hoa, có điều kiện tập luyện, duy trì hoạt động. Trong đó, hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa là hoạt động điển hình để phát huy và khơi dòng cho sự giao thoa này thăng hoa. Hoạt động này, năm nay đã được tổ chức lần thứ tư. Trong dịp lễ hội Ok-om-bok năm nay, hoạt động này sẽ được tiếp tục diễn ra ở với qui mô thật hoành tráng. Nếu một lần được chứng kiến, chắc chắn bạn nhận ra rằng: “Bấy lâu nay mình chỉ thấy được một Sóc Trăng và bây giờ mới thật sự biết”.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục