Tin tức - Sự kiện

Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 22/11/2018 09:27:16
Số lần đọc: 630
Làng nghề truyền thống (LNTT) là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển các sản phẩm du lịch (DL) độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy lợi thế này, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung bảo tồn, phát triển các LNTT gắn với phát triển DL; thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm.


Khách du lịch nước ngoài tham quan, tìm hiểu sản phẩm dệt thổ cẩm tại HTX Dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ).

Để tạo điều kiện phát triển các LNTT gắn với DL, ngày 25/10/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2490/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề (LN) phục vụ DL Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2016 – 2020”. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển DL… Nhờ đó, các LN và  LNTT không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 39 LN và LNTT được công nhận; trong đó, một số LNTT đã thu hút đông đảo khách DL đến tham quan như: LN dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn ở Quản Bạ, Đồng Văn, Quang Bình; LN chế tác khèn Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc; LN chạm Bạc của người Dao, người Nùng ở Hoàng Su Phì… Nhiều LN tập trung phát triển sản xuất hàng hóa với các sản phẩm sạch, hữu cơ, thân thiện môi trường; chất lượng, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên. Nhiều sản phẩm của các LNTT không những được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

HTX Dệt lanh Lùng Tám (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ) là minh chứng rõ nét về thành công trong việc bảo tồn LNTT gắn với phát triển DL. Chị Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX dệt lanh Lùng Tám co biết: “Thành lập từ năm 2001, đến nay, sản phẩm thổ cẩm của HTX Dệt lanh Lùng Tám đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới; trong đo, có những thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu. Hàng năm, HTX đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm; đặc biệt,  du khách nước ngoài rất thích các sản phẩm thổ cẩm của người Mông, do được sản xuất thủ công. HTX có doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động nông thôn, với thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các sản phẩm truyền thống và các dịch vụ phục vụ DL tại các LN chưa phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng. Cách thức hoạt động của các LNTT phục vụ DL còn thiếu tính chuyên nghiệp, thu nhập của một số LN thấp, nên không thu hút được nhiều lao động tham gia; các nghệ nhân có tay nghề cao ở các LN đang ngày càng ít đi. Để đẩy mạnh phát triển các LNTT gắn phát triển DL nhằm đưa DL trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh; các cấp, ngành cần lồng ghép, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ các LN; tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù có thế mạnh để phục vụ DL; đồng thời, xây dựng, phát triển các Tour, tuyến DL đến các LN; phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao nhận thức và khả năng sáng tạo của người dân; định hướng thị trường cho sản phẩm LN… Tăng cường quảng, bá giới thiệu sản phẩm, để LNTT không chỉ là không gian bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà thực sự trở thành điểm đến DL hấp dẫn; tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT