Non nước Việt Nam

Ẩm thực trong lễ hội Yên Thế, Bắc Giang

Cập nhật: 27/02/2009 14:36:36
Số lần đọc: 2294
Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân; hòa chung với không khí náo nức của người dân Bắc Giang mỗi khi làng quê mở hội, người dân vùng Yên Thế cũng sắp sửa chuẩn bị lễ kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do người "Thủ lĩnh áo nâu" Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm với nhiều giai đoạn, nhiều cung bậc thăng trầm, đã có hai lần thực dân Pháp phải xuống nước hòa hoãn với nghĩa quân; lần thứ nhất (1894 - 11-1895), lần thứ hai (1897-1909).

Trong lần hòa hoãn thứ hai với thực dân Pháp, Hoàng Hoa Thám: người thủ lĩnh tài ba - linh hồn của cuộc khởi nghĩa đã không ngừng xây dựng đồn lũy phòng thủ, tích trữ lương thực, rèn luyện nghĩa quân... Trong thời gian đó Đề Thám cũng rất quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của binh sĩ cũng như nhân dân trong vùng. Ngoài việc cho xây dựng các công trình tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa... hàng năm ông còn cho tổ chức các lễ hội như hội cầu may vào dịp đầu xuân, hội cầu siêu vào dịp rằm tháng 7. Hoàng Hoa Thám tổ chức mở hội đầu tiên vào năm 1900. Cũng từ đây, ngày hội này đã trở thành lệ chung của dân làng: "Đầu năm làm hội, cuối năm làm chay". Hội cầu may hàng năm thường mở ở Phồn Xương từ ngày mồng 10 đến tết nguyên tiêu rằm tháng Giêng mới giã hội. Năm nào được mùa, nghĩa quân đã giành được những thắng lợi quyết định thì năm ấy sẽ mở hội to. Ngược lại năm nào mất mùa, nghĩa quân ở thế thất thủ thì mở hội nhỏ hơn, với tính chất như việc làng. Dịp này Đề Thám thường cho mời các thân nhân nghĩa quân đã hy sinh đến để gặp mặt, hỏi han, biếu quà. Vào ngày hội trong chùa Phồn Xương (đền Thề) có kể hạnh và lễ Phật, ngoài đồi bãi có các trò vui chơi thi bắn cung, bắn súng, săn thú, đua ngựa, vật, đánh cờ... Đặc sắc nhất là thi cỗ chay, làm các loại bánh, cơm nắm.

Đến ngày mở hội, nhân dân các vùng lân cận đều mang cỗ đến thi và thi cỗ chính là nội dung chủ yếu của ngày hội đầu năm. Cỗ thi trong hội thường chỉ có: Bánh chưng, một đĩa bánh gio, hai nắm cơm nhỏ, một đĩa rau diếp cuốn thịt, một đĩa bánh chè lam.

Như vậy, cỗ thi rất đơn giản, thanh tao song lại đòi hỏi những người làm cỗ thi phải có kỹ năng thật điêu luyện, có tính cần cù, cẩn thận, tỉ mỉ. Trước lúc làm cỗ, người ta đem giã gừng, hòa với nước mưa cho vào chậu rồi đem đặt ở cổng ra vào, khi muốn vào đều phải xấp tay vào nước gừng trước. Các loại bánh và cơm thi đều được làm cẩn thận ngay từ lúc còn là hạt thóc, bánh chưng làm thế nào để khi mở ra vẫn thấy nguyên hình hạt gạo nhưng đã nhuyễn dẻo và có màu xanh của lá dong, màu trắng tinh của hạt gạo, màu xanh vàng của đỗ khi cắt bánh; đồng thời bánh phải thật chắc tay, miếng bánh phải gọn gàng khi cắt ra. Bánh gio làm sao cho thật trong, có màu vàng sậm, khi bóc ra bày lên đĩa có thể nhìn thấu tận lòng đĩa. Cơm nắm sao cho thật dẻo, chắc tay, khi cắt ra hạt cơm không bị rơi.

Sang ngày 12, Hoàng Hoa Thám cùng với bà Ba và một số người thân cận của ông đến chấm thi. Tùy theo giá trị của từng loại cỗ mà đánh giá, giải thưởng Hoàng Hoa Thám treo giải trong hội thường là tiền. Cỗ thi trong hội được xếp theo hàng lối, trên mỗi mâm đều được phủ một miếng vải đỏ. Mâm cỗ nào đạt sẽ được cắm thẻ và sau đó thì trao giải thưởng ngay, người nào đoạt được giải trong hội tất cả bạn bè biết tin đều đến mừng. Giải thưởng của ngày hội tuy không lớn lắm song đó là niềm vinh dự của bản thân, gia đình người thắng cuộc.

Ngoài việc thêm phần vui vẻ cho lễ hội cuộc thi nấu cỗ còn có ý nghĩa rèn luyện sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ, vai trò của người phụ nữ được đề cao trong công tác "hậu cần", phần thưởng tuy nhỏ nhưng danh tiếng của người được giải mới là quan trọng, chính điều đó sẽ khích lệ người dân trong vùng chăm lo tới tăng gia sản xuất, làm sao gieo trồng được giống lúa tốt thơm ngon có năng suất cao để góp phần cung cấp lương thực cho nghĩa quân. Vũ khí được trang bị đầy đủ, quân số đông, binh lính tinh nhuệ... thì yếu tố nguồn cung cấp lương thực cũng vô cùng có ý nghĩa đối với hoạt động của nghĩa quân. Nhằm tạo nguồn lương thực dồi dào, phong phú, Đề Thám đã lấy hình thức sinh hoạt về tinh thần để khích lệ nhân dân trong vùng hăng say sản xuất cung cấp lương thực cho nghĩa quân cũng như nâng cao đời sống vật chất của chính họ.

Trong thời gian tạm thời đình chiến, tướng lĩnh, binh sĩ cùng nhân dân đồng lòng sát cánh bên nhau hăng say lao động sản xuất... tạo ra những sản phẩm lương thực không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn dành tích trữ. Ngoài những sản phẩm: lúa, ngô, khoai, sắn, gạo, đỗ... thì các loại bánh: bánh chưng, bánh gio, bánh dày, bánh chè lam... thi trong ngày hội chính là "lương khô" được nghĩa quân sử dụng một cách tiện lợi nhất mỗi khi giao chiến với thực dân Pháp. Việc nổi lửa thổi cơm phục vụ binh sĩ là cần thiết nhưng những lúc cơ động thì các sản phẩm bánh chính là nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu sử dụng của nghĩa quân một cách nhanh chóng thuận tiện nhất. Không chỉ thuận tiện, bánh còn là loại thực phẩm bao gồm đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng bảo đảm sức khỏe cho các binh lính: gạo, đỗ, thịt, đường... đồng thời những loại bánh này khi được làm cẩn thận từ khâu chọn gạo, đỗ, lá; sơ chế, chế biến, luộc, nấu... thì sẽ bảo quản được trong một thời gian khá dài. Vì thế ta có thể hiểu vì sao trong ngày hội mà Hoàng Hoa Thám tổ chức cho nhân dân và nghĩa quân tham gia ngoài các nghi lễ tế thần, kể hạnh thì thi cỗ cũng là một phần của lễ hội. Chính cuộc thi này sẽ là động lực thúc đẩy việc "chiêu binh mãi mã - tích thảo dồn lương" của nghĩa quân được tốt hơn.

Hội Yên Thế ngày nay được mở ra nhằm ôn lại truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Yên Thế, đồng thời góp phần giáo dục về lòng tự hào với truyền thống đó cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ trong nhịp sống hiện đại bây giờ. Chương trình của lễ hội gồm có lễ khai mạc, dâng hương; sau phần lễ thì diễn ra các trò chơi môn thi dân tộc: Hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đẩy gậy, thi bắn nỏ, nấu cơm thi, ném còn, lễ phóng ngư thả điểu, lễ giới thiệu ẩm thực tại đền thờ Bà Ba...

Lễ giới thiệu ẩm thực tại đền thờ Bà Ba đã gợi nhớ cho ta về lễ hội xưa mà Hoàng Hoa Thám đã tổ chức và cách thu phục lòng dân của ông cũng như việc tích trữ lương thực, chuẩn bị quân lương của nghĩa quân Yên Thế. Và đây cũng là tấm lòng thành nguyện của con cháu cụ Đề tưởng nhớ, ghi ơn công lao chống giặc ngoại xâm, cứu dân, cứu nước của cha ông!.

Nguồn: website báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT