Hành trang lữ khách

Ninh Bình hướng nông dân làm du lịch

Cập nhật: 13/07/2009 16:07:21
Số lần đọc: 3346
Vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình có câu “6 tháng đi bằng chân, 6 tháng đi bằng tay” chỉ nỗi vất vả, cơ cực của người dân sống trong vùng phân lũ. Song mấy năm qua, nhờ phát huy tiềm năng du lịch, nông dân xã Gia Vân (Gia Viễn) đã đổi thay nhờ “cả năm đi làm du lịch”.  

Xe trâu lên đời

Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Ninh Bình nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình; được ví như “Vịnh Hạ Long cạn”. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là một trong những cảnh đẹp đó. Với diện tích hàng vạn hec-ta, trải rộng trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Gia Viễn, năm 2002 tỉnh Ninh Bình chính thức đưa Vân Long vào khai thác du lịch. Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, ông Nguyễn Ngọc Luyên cho biết, trung tâm khu du lịch sinh thái Vân Long thuộc xã Gia Vân. Đây vốn là làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ, có “cây đa bến nước mái đình”. Ngành Du lịch đã quy hoạch chi tiết trên diện tích 312 ha, chủ yếu lưu giữ lại hồn quê, đặc biệt đất lúa được bảo vệ nghiêm ngặt…

Năm 2002, anh Hà Huy Lợi, một chủ doanh nghiệp trẻ ở thị xã Ninh Bình lên Vân Long làm dự án du lịch. Lúc đó ven đường tỉnh lộ 21B vào xã Gia Vân là bãi sình lầy, doanh nghiệp Ngôi Sao đã cải tạo, dựng lên các nhà sàn sinh thái và xây dựng tour “Du khảo làng quê”, đưa hàng trăm nông dân chân lấm tay bùn làm du lịch… Chỉ tay vào bản đồ anh Lợi hướng dẫn, xã Gia Vân có 7 thôn thì 5 thôn làm du lịch. Chuyến “du khảo làng quê” giúp du khách tham quan, sinh hoạt đời thường cùng nông dân.

Xuất phát từ khu nhà sàn Ngôi Sao, du khách lên xe trâu dạo qua thôn Phù Lâm, thăm viếng đình chùa trong thôn, ngắm cây thị 700 tuổi. Xe trâu tiếp tục cuộc hành trình đưa khách đến thôn Mai Trung, qua cánh đồng lúa thôn Trung Hoà, tập kết tại đình thôn Tập Ninh. Sau khi nghe hát chèo, thụ lộc Thánh tại đình… du khách sẽ xuống bến đò tham quan khu đất ngập nước Vân Long. Từ bến đò khách có thể thuê xe đạp đi thăm đền Mẫu ở Thung Lau Lá, động Hoa Lư, khu xưa Đinh Bộ Lĩnh nhổ lau làm cờ tập trận… Cũng trong chuyến du khảo làng quê, đến thôn Cầu Vàng, xã Gia Hoà du khách được sinh hoạt với người dân bản địa. Khách cùng nông dân ra đồng mò cua bắt ốc, gặt lúa, về nhà tắm giếng, cùng nấu nướng và thưởng thức bữa cơm trưa đạm bạc, ngủ trên chiếc chõng tre…

Sau khi kể say sưa về chuyến du khảo như hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh Hà Huy Lợi khẳng định, đây là tour du lịch đồng quê đầu tiên ở miền Bắc được Doanh Nghiệp (DN) khai thác từ năm 2003, phục vụ tới 90% khách nước ngoài. Theo đó DN trực tiếp đào tạo nghiệp vụ du lịch, dạy cho nông dân cách ngôn ngữ giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài. DN còn phối hợp với xã Gia Vân tổ chức khoảng 300 chiếc đò trên bến Vân Long, 60 xe đạp địa hình, 30 xe trâu phục vụ chở khách. “Du lịch đồng quê thì phải đúng chất quê. Chẳng hạn chiếc xe trâu chở khách là xe dân vẫn thường chở lúa, phân bón chứ không làm mới. Người dân cũng không phải thả cua cá cho khách xuống bắt mà họ tự mò ở ao hồ tự nhiên. Những công việc theo mùa của nhà nông như cấy lúa, làm cỏ sục bùn, tát nước, gặt hái… khách du lịch đều có thể tham gia” - anh Lợi cho biết.

Cả xã thoát nghèo 

Đến Vân Long đúng hôm DN Ngôi Sao đón đoàn du khách Pháp tham quan. Anh Phạm Văn Cường ở thôn Tập Ninh, xã Gia Vân, Đội trưởng đội xe - đò chở khách dẫn 6 xe trâu tập kết trước khu nhà sàn. Trong khi chờ khách, anh Cường tâm sự: “Nhà tôi 4 khẩu được chia 4 sào ruộng, năng suất lúa chỉ đạt 1,5 - 1,7 tạ/sào, không có nghề phụ phải đi làm thuê kiếm sống. Từ khi vợ chồng đưa xe trâu, sắm đò phục vụ khách du lịch quanh khu Vân Long, đời sống khấm khá hơn. Như tôi bình quân mỗi tháng chở khách 7 - 8 chuyến xe trâu, cả tiền “boa” được khoảng 1 triệu đồng, đến nay đã gỡ đủ vốn mua trâu chở khách”. Vợ anh, chị Đinh Thị Loan cũng cho hay, mỗi chuyến chở đò được xã “cắt vé” cho 20 nghìn đồng, mỗi tháng kiếm thêm vài trăm bạc đủ tiền đóng học cho con. “Không chỉ gia đình tôi mà cả làng Tập Ninh đều thoát nghèo nhờ nghề chở đò phục vụ khách du lịch. Vợ chồng tôi tính từ nay đến cuối năm mà đông khách thì sẽ đủ tiền sửa lại cái nhà” - chị Loan nói.

Men theo hồ sen ngào ngạt toả hương thơm,  vào thôn Cầu Vàng, xã Gia Hoà. Bà Lê Thị Chè, chủ ngôi nhà cổ 5 gian niềm nở mời khách vào uống nước. Năm 2003 ngôi nhà cổ của bà được xã chọn làm điểm phục vụ khách du lịch. Bà bảo: “Mấy năm nay nhà tôi đón nhiều du khách Pháp, Úc, Canada, Hàn Quốc… Họ ra đồng làm cỏ, mò cua bắt ốc cùng nông dân, sau đó đem về nhà tôi cùng nấu nướng, sinh hoạt với gia đình. Có ông Tây bắt cá xong ra giếng vục gầu dội nước cứ ùm ùm. Tôi còn xúc cả lúa ra cối cho khách xay, kéo chõng tre cho nằm, họ thích thú lắm”. Chị Thắm, con dâu bà  góp chuyện: “Nhiều nhà ở quê bây giờ nấu bếp ga cho tiện nhưng khách Tây về đây lại thích… nấu rơm. Có ông không biết nấu cháy xém cả râu cằm mà vẫn vui lắm lắm”. Khi được hỏi về gia đình thu nhập mỗi tháng bao nhiêu tiền từ dịch vụ, bà Chè đáp: “Chúng tôi phục vụ là chính, khách từ xa đến chơi là quý hoá lắm rồi, gia đình chẳng đòi hỏi tiền nong gì cả, có đoàn cho dăm bảy chục, một trăm ngàn, tuỳ tâm thôi.”

Ông Nguyễn Minh Hiện - Chủ tịch UBND xã Gia Vân phấn khởi cho biết: Từ khi đưa khu du lịch sinh thái Vân Long vào khai thác, đời sống nông thôn được nâng lên rõ rệt, ước tính toàn xã có khoảng 500 lao động làm dịch vụ du lịch trực tiếp như bán đồ lưu niệm, chở đò… Riêng doanh thu từ bán vé du lịch mỗi năm xã thu trên 600 triệu đồng. Chúng tôi được phép trích 50% để xây dựng cơ sở hạ tầng, các DN đầu tư du lịch trên địa bàn cũng đóng góp 400 triệu đồng xây trụ sở xã… Ông Hiện cũng cho hay, Gia Vân là một trong những xã nghèo nhất huyện Gia Viễn, song chỉ vài năm phát triển mạnh du lịch đã vươn lên vị trí đầu bảng.

 

 

 

 

 

Nguồn: Website báo Nông Nghiệp Việt Nam

Cùng chuyên mục