Hành trang lữ khách

Mường Ải (Hoà Bình): Nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa Mường

Cập nhật: 28/04/2008 10:04:48
Số lần đọc: 2829
Chúng tôi tìm đến Mường Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình giữa tiết trời se lạnh. Con đường dẫn vào Mường Ải xanh mát với những rặng tre rì rào trong gió núi. Từ xa, Mường Ải đẹp, thơ mộng như một bức tranh quê.

Những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong vườn hoa trái, tựa lưng vào núi Cộ Tệnh, Chè Làu, được bao bọc bởi con suối Ải ngày đêm róc rách, đưa nước về tắm mát cho những cánh đồng lúa tươi xanh. 

 

Đến Mường Ải, chúng tôi cảm nhận được một cuộc sống thanh bình, nền nã khi gặp các cụ già đôn hậu trong trang phục truyền thống đi đồng về, lưng còn đeo gùi, niềm nở chào khách. Cảm giác xa lạ nhanh chóng được xóa tan bởi sự thân thiện của người dân nơi đây. Bước chân vào bản, chúng tôi thật sự ấn tượng về những ngôi nhà đều là nhà sàn được dựng theo lối cổ, 4 mái dốc hình mu rùa. Dưới gầm sàn là nơi để những vật dụng như cày, bừa, củi... Trong đời sống tâm linh của người Mường, rùa là con vật thông thái, linh thiêng, làm nhà theo hình con rùa tránh được những điều bất lợi từ thiên nhiên. Theo các cụ cao niên ở Mường Ải thì những gia đình sống bao đời nay trên đất này, không phải không có điều kiện để xây nhà gạch mà họ muốn giữ lại nếp nhà sàn truyền thống của ông cha.

 

Theo lối cầu thang chính làm bằng gỗ, chúng tôi vào thăm nhà bà Bùi Thị Quynh. Căn nhà sàn rộng rãi một gian, hai bên vách rực rỡ sắc màu của những mảnh vải thổ cẩm. Điểm nhấn trong không gian ngôi nhà là chiếc chiêng cổ và bộ lịch tre được treo ở vị trí trang trọng. Ngồi trên nhà sàn, nhìn ra cửa voóng, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn khu vườn đầy hoa trái, xa xa là cánh đồng lúa đang lên xanh. Ngày nào cũng vậy, bà Quynh đều tranh thủ thời gian dệt những mặt phà, cạp váy. Chồng bà thì luôn tay đan rổ, rá, mâm... Cứ đến phiên chợ Lồ, bà Quynh lại mang ra bán. Cả huyện Tân Lạc ai cũng biết bà khéo dệt, giỏi đan lát.

 

Trong lúc đợi người nhà bà Quynh đồ xôi, nấu các món ăn truyền thống bên bếp phía trong ngôi nhà, chúng tôi say sưa theo điệu thường rang của bà Quynh, nghe các cụ cao niên kể chuyện Út Lót, Hồ Liêu, Nàng Nga hai mối, xem chị em phụ nữ Mường múa hát, các đàn anh chơi bản âm và thưởng thức rượu cần. Người Mường Ải “say” và thuộc văn nghệ truyền thống đến độ ở đâu cũng có thể hát được như lúc đón khách, ăn cơm, uống rượu cần: “Cảm ơn anh chị trên nhà, làm nên rượu ngọt như mật con ong khoái, làm nên quả men có 90 tầng lá, 30 rễ cùng ra”. Quả thực, rượu cần Mường Ải có bí quyết riêng, được làm bằng men lá, nếu để trên 2 năm, uống có vị ngọt, sánh như mật ong.

 

Bí thư Đảng ủy xã Phong Phú Bùi Văn Bọt cho biết, Mường Ải xưa chỉ có khoảng 20 nóc nhà, nay mở rộng với 80 hộ. Người Mường Ải sinh sống chủ yếu nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Nghề dệt vải, đan lát tuy chưa đem lại thu nhập chính nhưng vẫn được lưu giữ như một nét đẹp. Bà con trong Mường Ải đều có ý thức giữ gìn nếp sống, sinh hoạt văn hóa, nhất là lễ hội, phong tục đẹp. Tiêu biểu nhất là lễ hội Khai Hạ. Lễ cúng được thực hiện tại miếu thờ xóm Lũy, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày càng ấm no. Truyền thống văn hóa và ý thức giữ gìn đã tạo nên nét độc đáo của Mường Ải.

 

Trong bối cảnh quá trình giao lưu văn hóa đang tạo ra sự biến đổi to lớn thì văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Mường vẫn được bảo tồn mạnh mẽ ở Mường Ải. Với những nét độc đáo của văn hóa Mường và phong cảnh hữu tình,  Mường Ải đã được đưa vào quy hoạch du lịch của  tỉnh Hòa Bình. Người Mường Ải hiếu khách đang chờ đón du khách muôn phương.

Nguồn: HNM

Cùng chuyên mục