Hành trang lữ khách

Khai hội chùa Hương có nguồn gốc từ lễ "Mở cửa rừng"

Cập nhật: 24/09/2009 16:14:12
Số lần đọc: 3044
Ngày khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) diễn ra vào mùng sáu tháng giêng hằng năm có nguồn gốc từ lễ Mở cửa rừng của đồng bào Mường bản địa.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phượng Vũ, xưa, vùng núi Hương Sơn - chùa Hương còn khá hoang sơ. Đây là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào Mường, sinh sống chủ yếu bằng nghề hái lượm, săn bắt và đánh cá. Đồng bào quan niệm, sau mỗi một năm, cửa rừng lại đóng lại vì thế, bước vào năm mới, cần phải làm lễ Mở cửa rừng để bắt đầu cho một mùa hái lượm, săn bắt mới. Khi chưa làm lễ mở cửa rừng mà tự tiện vào rừng thì rất dễ gặp rủi ro như: bị ma rừng bắt hồn, bị rắn rết cắn, hổ báo ăn thịt...

Trong ngày lễ mở cửa rừng, bà con trong mường tụ tập lại một khu đất trong rừng để làm lễ. Khi thầy mo làm lễ xong, trai tráng khỏe mạnh thúc chó vào rừng săn thú; đàn ông, đàn bà luống tuổi cùng các cô gái tỏa đi hái rau, hái nấm.

Về sau, người Kinh về đây đông đúc hơn, vùng núi Hương Sơn được cải tạo trở thành vùng núi sơn thủy hữu tình với những hang động tự nhiên và chùa chiền được xây dựng. Người Kinh vẫn giữ ngày Mở cửa rừng của đồng bào Mường đồng thời làm lễ Mở cửa chùa - khai hội chùa Hương cho đến ngày nay.

Vào ngày khai hội, từ sáng sớm, trên các nẻo đường thôn Yến Vĩ, đã nhộn nhịp bước chân người. Các lão ông áo dài, khăn đóng, tay cầm hương nganh; các lão bà áo dài tứ thân, quần lĩnh, tay bưng trầu cau oản quả thành kính bước vào đền Trình làm lễ Mở cửa rừng.

Từ sau lễ Mở cửa rừng, người dân Hương Sơn mới bắt đầu lên núi săn bắn; đi rừng hái củi, hái rau. Trên suối Yến mới vun vút thuyền tam bản đi đánh cá, vào chùa Trò, Công việc chuẩn bị Hội mới bắt đầu và đối với khách thập phương cũng bắt đầu ngài hội.

Hội chùa Hương khởi đầu từ ngày mùng sáu tháng giêng còn kết thúc vào ngày nào lại phụ thuộc vào người đi Hội. Năm mùa màng thất bát, Hội chùa Hương có ngắn cũng phải dài hàng tháng; năm phong đăng hòa cốc thì độ dài gấp đôi, gấp rưỡi.

Đã mấy trăm năm nhưng Hội chùa Hương vẫn nô nức người đi trẩy hội. Bởi thế mà nó được mệnh danh là hội “vui bậc nhất ở cõi trời Nam” như lời danh sĩ nhà Nguyễn Phan Huy Chú đã đề tựa khi du ngoạn chốn này.

Chùa Hương gồm toàn bộ khu vực Hương Sơn với những đền, chùa, hang động, sông suối và rừng mơ. Đây là danh thắng nổi tiếng ở xứ Đoài xưa (nay thuộc Hà Nội) bởi “tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan” và động đẹp nhất trời Nam. Hiện, đồng bào Mường không còn sinh sống ở khu vực này nhưng dấu vết của họ còn khá đậm trong các tục thờ đá, ném đá chơi động, chơi hang và đặc biệt là trong ngày khai hội chùa Hương. 

Nguồn: Website Đất Việt

Cùng chuyên mục