Hành trang lữ khách

Tây Bắc - mùa xuân về

Cập nhật: 10/02/2010 08:02:21
Số lần đọc: 3628
Ai đó từng ví Tây Bắc có vẻ đẹp như Mường Tiên. Đến với Tây Bắc, mọi người được cảm nhận một vùng núi đá cao chất ngất từng không, vùng đất đầy huyền thoại, sử tích và vùng của những lễ hội, làn điệu dân ca, của những điệu múa, trang phục của nhiều dân tộc, khiến ai được một lần đến đây thì không thể nào quên được.

Bắt đầu từ dốc Cun, đi dọc tuyến đường Quốc lộ 6 lên với Tây Bắc, chúng ta bắt gặp một cuộc sống  sôi động, tràn đầy nhựa sống, ngồn ngộn những trầm tích, cơ tầng văn hóa. tỉnh Hòa Bình có 4 Mường lớn là: Bi, Vang, Thàng, Động. Trong đó, Mường Bi nằm trên đường lên Tây Bắc, thuộc huyện Tân Lạc. Nơi đây được sử sách ghi lại là vùng đất cổ của tộc Mường. Cách đây hơn một vạn năm, những người con đất Việt đã sản sinh ra một nền văn hóa nổi tiếng, đó là văn hóa Hòa Bình. Nền văn hóa ấy có từ khi người Mường biết ca lên bài ca Đẻ đất - đẻ nước, biết trồng hạt lúa cây ngô, để hôm nay vẫn vươn lên một sức sống lâu bền và mạnh mẽ.

 

 

Người Mường có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, có chung một nền văn hóa rộng lớn, trải dài suốt bao thế kỷ. Thấm đậm dòng máu con Lạc, cháu Hồng, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước vươn lên chiến thắng thiên nhiên. Lễ hội Khai hạ Mường Bi được coi là lễ hội lớn nhất các vùng Mường. Đây là lễ hội cầu mùa và mở cửa rừng với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, mở đầu công việc cho năm mới. Lễ hội còn là dịp để người dân Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh, là nơi để con người cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển, là nơi gặp gỡ, giao lưu, gạt bỏ những lo toan, vất vả trong cuộc sống thường nhật, để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Đối tượng thờ cúng trong lễ hội là thành hoàng Quốc Mẫu Hoàng Bà, Đức Thánh Tản - người đứng đầu trong Tứ Bất Tử và các vị thần Ai Lý, Ai Lo - những người đã có công đào mương Lò. Theo truyền thuyết dân gian vùng Mường Bi thì Quốc Mẫu Hoàng Bà chính là thân mẫu của Thánh Tản. Hoàng Bà vi hành từ núi Tản, sông Đà đến vùng Mường Bi thăm dân gian được nhân dân vùng Mường Bi đón tiếp tử tế, chu đáo. Cảm kích trước tấm lòng ấy, bà đã chỉ dạy cho người dân nơi này cách làm ruộng hai vụ, chăm sóc lúa tốt bời bời, dạy bảo dân làng các ăn ở… Sau đó, bà ra bờ suối xóm Lồ bay về trời.

 

Người dân tộc Mường từ xa xưa đã biết cách sống chung với thiên nhiên. Họ phát hiện nhiều nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, bổ dưỡng, nhiều món còn có tác dụng chữa và ngăn chặn bệnh tật. Cao hơn nữa, họ đã dần hình thành tập quán, phong tục ăn uống mang đậm bản sắc của mình.

 

Dọc Quốc lộ 6 lên với Tây Bắc không thể không nhắc tới cộng đồng người Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo. Đồng bào Thái sinh sống chủ yếu ở huyện Mai Châu. Một trong những nét đẹp của người Thái là nhà ở. Nhà sàn của người Thái là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mỹ cao. Nhà sàn của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu hồi (tụp cống) khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa "Pua tấu" dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng. Ngôi nhà sàn của người Thái vừa trang nhã, vừa chắc chắn: "hướn đi tẳng cang tèn / hướn én tẳng cang vên / lốm luông pặt bấu chại / lốm hại pặt bấu pay" - nghĩa là: Nhà tốt dựng nơi cao ráo / nhà đẹp dựng giữa mường / gió to thổi không xiêu / bão lớn không lay động. 

 

Nhà sàn của người Thái Tây Bắc là nơi chứng kiến buồn vui của bao thế hệ, để rồi mỗi người hiểu thêm về quá khứ, hiện tại và tương lai, trân trọng nâng niu những tài sản vô giá cả về vật chất và tinh thần đã trở thành truyền thống tốt đẹp và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn. Nhà sàn còn là nơi con trai đan lát, thổi khèn, pí... con gái quay xa, dệt vải, thêu thùa... đã được khái quát trong câu thơ: Trai biết đàn chài / gái biết dệt vải (nhinh hụ tháp phải / trái hụ san he). Các bản Thái thường quần tụ ven suối chân đồi. Những ngôi nhà sàn bình dị ấm cúng, khói lam thơm thoảng gió đồng, lách cách tiếng thoi đua, đâu đây da diết một điệu khèn câu khắp, lốc cốc tiếng mõ trâu đàn về bản... Tất cả làm nên một vẻ đẹp trong sáng đậm tình như một bức tranh sơn thủy, dân dã nguyên sơ của một nền văn hóa.

 

Bản Lác, bản Văn, bản Pom Coọng của người Thái Mai Châu... từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Mọi người đến đây để cảm nhận một cuộc sống bình yên, ấm áp của một vùng sơn cước. Nhất là những ngày đầu xuân, đến với các bản người Thái, mọi người sẽ được hòa mình vào không gian sống nơi đây, được nghe tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục từ những lễ hội độc đáo, như: Lễ hội chá chiêng, cơm mới, xên bản, xên mường...

 

Càng vào sâu trong lòng Tây Bắc, ta càng được đắm chìm trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây. Có lẽ, điều đọng lại ấn tượng nhất vẫn là cuộc sống và phiên chợ vùng cao độc đáo của đồng bào Mông. Người Mông chủ yếu định cư ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò thuộc huyện Mai Châu. Nơi ở của người Mông thường có địa hình núi cao hiểm trở, vách đá treo leo, hoặc quanh thung lũng, vực hẻm, quanh năm mây mưa và sương mù. Người Mông được coi là cộng đồng dân tộc có cá tính mãnh liệt và phóng khoáng nhất vùng đất này. Chính vì vậy mà các phiên chợ của người Mông thường được xem là dịp lễ hội của bản làng. Chợ Xà Lĩnh nằm trên địa phận xã Pà Cò mỗi tuần tổ chức một phiên vào chủ nhật. Trong ngày này, người Mông từ các bản làng tập trung rất sớm. Tiếng vó ngựa gõ trên đá, tiếng khèn bè át sương đêm của các chàng trai vang vọng núi rừng. Lấp ló trong sương sớm là những bộ áo, váy sặc sỡ của các cô gái hòa quyện vào nhau như một rừng hoa khoe sắc. Điểm ấn tượng nhất của phiên chợ là hầu như đều họp trong sương mờ giăng kín lối. Đến buổi trưa, khi sương bắt đầu tan thì cũng là lúc mãn chợ. Các chàng trai tập trung quanh nồi thắng cố bốc khói nghi và chén rượu ngô ấm nồng, thỉnh thoảng lại dãn vòng để múa khèn bằng những bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển mê hồn các cô gái. Thế rồi bước chân dè dặt của cô gái cũng bước vào vòng khèn, theo nhịp chân chàng trai. Và những lời hẹn hò, trao duyên bắt đầu từ tiếng khèn, điệu múa của các chàng trai, cô gái Mông sau mỗi phiên chợ.

 

Phải chăng đến với Tây Bắc mùa Xuân mới có thể cảm nhận một cách đầy đủ không gian đất trời khi thay màu áo mới, mới cảm nhận được ý nghĩa sâu thẳm của sự sinh sôi, của một sức sống mãnh liệt đến vô cùng. Nhất là nếu như ai đó đến Tây Bắc vào đúng dịp hoa Ban nở, một loài hoa mang nét thầm kín, tôn lên vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc thì chắc hẳn sẽ bịn dịn bước chân, hẹn sẽ sớm quay trởlại thêm nhiều lần nữa. 

Nguồn: website báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục