Hành trang lữ khách

Đào Nhật Tân, nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô nghìn năm tuổi

Cập nhật: 26/08/2010 10:08:01
Số lần đọc: 4089
Đào Nhật Tân là một nét văn hoá cổ truyền  đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại đến mấy trăm năm. Nhắc đến Hà Nội, người ta không thể không nói tới làng đào Nhật Tân.

Huyền thoại lịch sử kể rằng trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, sau khi phá tan 20 vạn quân Thanh chỉ trong vòng 6 ngày, vua Quang Trung dẫn đại binh vào Thăng Long giữa tiếng reo hò chào đón của hàng hàng lớp lớp người dân chen chúc đứng hai bên đường. Vào bên trong thành, vua vắn tắt chỉ thị tướng sĩ rồi cùng tùy tùng phóng ngựa đến vùng Nhật Tân ở ngoại thành, tự tay chọn một cành bích đào cho ngựa trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa để báo tin chiến thắng. Lúc bấy giờ, áo bào nhà vua vẫn còn vương gió bụi và phảng phất mùi thuốc súng.

 

Trong hàng trăm năm qua, người dân vùng trồng đào nổi tiếng Nhật Tân vẫn hãnh diện nhắc đến câu chuyện nêu trên, như một huyền thoại vừa kiêu hùng vừa lãng mạn với khách phương xa. Phải chăng, đối với nhà vua, cành đào Nhật Tân mảnh mai ấy gói ghém được hơi thở mùa Xuân và linh hồn đất Bắc, khiến người vợ yêu phần nào nguôi ngoai nỗi day dứt nhớ quê cha đất tổ mỗi độ Xuân về.

 

Bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân đã ghi lại hoa đào trong chợ hoa Hà Nội trong những năm chống Mỹ cứu nước, rút trong tập “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”: “Nhưng tôi khó mà quên được cái không khí chợ hoa Tết Hà Nội năm sơ tán đó, quảng trường chợ Hàng Da đúng là một cái ngã sáu của các đào. Đào Tết vẫn khoanh vùng nhưng đào ngồi, đào đứng, đào đi, đào vẫn cứ lấn dần sang đất vành đai cả khu hoa sơ tán. Đào ngồi nhờ sang cả cuối phố Hàng Nón. Đào tràn sang cả Hàng Gai. Ngồi ghé nhấp nhổm chỗ đầu Hàng Gai bờ hồ, hoa được thể còn cứ nhích nhích mãi vào đầu Hàng Đào!”.

 

Những chi tiết này thú vị biết mấy, bởi, ngay những năm chống Mỹ, đào (và phần lớn là đào Nhật Tân) vẫn được mùa! Và chợ hoa Hà Nội vô cùng tấp nập. Trong chiến tranh ác liệt người Hà Nội vẫn đầy chất hào hoa, cả người trồng đào lẫn người chơi đào! Đó chính là nét đặt trưng chỉ đất ngàn năm văn hiến mới có được.

 

Khi Tết đến Xuân về những cành đào gốc biếc đào phai vẫn đông hoa, đông nụ. Gốc đẹp, tán đẹp, hoa đẹp, đôi cái lộc lá nhú xanh điểm xuyết trong tán hoa lại càng đẹp. Đào bích Nhật Tân cánh dày, 12 cánh to và đều chồng khít bên nhau, vì thế, nhìn thấy thương hiệu của hợp tác xã đào Nhật Tân là khách đã tìm đến ngay mà chẳng cần nhìn đến thương hiệu bản quyền, cứ dạo qua những cành đào, những chậu đào, cứ nhìn cái sắc biếc đào thắm, những bông hoa to, sắc sảo mà nhuần nhị, thì cũng nhận ra thứ đào nổi tiếng hàng trăm năm nay rồi!

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục