Tin tức - Sự kiện

Bảo tàng Bình Thuận tiếp nhận hiện vật sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ

Cập nhật: 26/08/2020 08:18:53
Số lần đọc: 712
Ngày 24/8, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức tiếp nhận 1 hiện vật sử dụng trong thời kỳ kháng chiến, do Công an phường Mũi Né, TP. Phan Thiết bàn giao.

Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tiếp nhận hiện vật phao kéo rà phá thủy lôi từ ông Nguyễn Minh Sơn, trưởng Công an phường Mũi Né

Trước đó, cán bộ chuyên môn Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức đi sưu tầm hiện vật trên địa bàn toàn tỉnh và nhận được thông tin từ nhà sưu tập tư nhân ông Nguyễn Ngọc Ẩn cư ngụ phường Mũi Né cung cấp, hiện nay Công an phường Mũi Né đang lưu giữ 1 hiện vật liên quan đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Để tìm hiểu về lịch sử hiện vậy này, cán bộ chuyên môn Bảo tàng đã có buổi trò chuyện với Ông Nguyễn Trọng Mạnh, nguyên Trưởng Công an phường Mũi Né, ông cho biết vào năm 1983 nhân dân địa phương khu vực Suối Nước thuộc phường Mũi Né phát hiện dạng chiếc phao tự chế trôi dạt vào bờ biển khu vực Suối Nước, nhân dân thấy làm lạ không biết đây là một loại vũ khí hay là loại công cụ gì, liền báo cho Công an Phường Mũi Né và ông Nguyễn Trọng Mạnh đã cho lực lượng Công an đưa về nghiên cứu, tìm hiểu và lưu giữ, bảo quản tại Công an Phường Mũi Né từ đó đến nay.

Theo lời kể một số của lão thành cách mạng tại địa phương và kết hợp nhiều nguồn thông tin cán bộ chuyên môn Bảo tàng tỉnh Bình Thuận thu thập, nghiên cứu, tìm hiểu. Vào khoảng năm 1963 - 1975 trong hai lần sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, Mỹ đã thả hàng vạn quả thủy lôi, bom từ trường xuống các cửa sông như: sông Mã (Thanh Hóa), sông Lam (Nghệ An), sông Gianh và sông Nhật Lệ (Quảng Bình)… hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta, ngăn chặn nguồn tiếp tế của các nước XHCN anh em, nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và đồng thời, làm nhụt ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.

Song với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc: Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Giao thông vận tải, Trường Đại học Bách khoa, cùng nhân dân có kinh nghiệm nghiên cứu, chế tạo các thiết bị thô sơ như: bè nam châm, phao sắt, phao nhôm dạng kéo và thả trôi, có loại hiện đại hơn HDL-9, tàu T5 để rà phá thủy lôi hiệu quả. Ngoài ra, để vận chuyển hàng hóa, đạn dược tránh bom từ trường, thủy lôi thì người dân không dùng thuyền to để vận chuyển, vì thuyền to đa số làm bằng chất liệu kim loại, sẽ dễ gây nổ khi tiếp xúc với từ trường của bom nổ chậm, thủy lôi. Nhân dân sáng kiến dùng thuyền nan làm bằng chất liệu tre, nứa, gỗ... để vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm. Nhờ vậy, đã đánh bại mọi phong tỏa trên sông, biển ở miền Bắc của đế quốc Mỹ, mở tuyến, thông luồng thắng lợi góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.

Tiếp cận hiện vật chiếc phao dùng để kéo rà phá thủy lôi do Công an phường Mũi Né đang lưu giữ hiện nay có chiều dài 1.55m, chu vi bụng 98cm, cánh trước dài 1.21m, cánh sau dài 64cm sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ của bộ đội công binh tự sáng chế dùng kéo sau thuyền, bè để rà phá và làm vô hiệu hóa quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ, mở tuyến, thông luồng thắng lợi, đảm bảo nối liền mạch máu giao thông, phục vụ sản xuất và chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Phao kéo dùng rà phá thủy lôi tiếp nhận đưa về kho bảo tàng

Qua đó, cán bộ chuyên môn bảo tàng làm việc với ông Nguyễn Minh Sơn, trưởng Công an Phường Mũi Né, phân tích ý nghĩa trong bàn giao hiện vật chiếc phao kéo rà phá thủy lội này. Ông Nguyễn Minh Sơn nhất trí việc bàn giao hiện vật chiếc phao kéo rà phá thủy lôi, cho Bảo tàng tỉnh Bình Thuận để lưu giữ, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Quỳ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự trân trọng đối với những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng, đồng thời khẳng định sẽ gìn giữ và phục vụ công tác giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn sự thông minh sáng tạo của quân và dân ta trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt, hào hùng của dân tộc.

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cũng mong muốn tiếp tục đón nhận những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, tài liệu, có giá trị, những câu chuyện ý nghĩa được chia sẻ, giới thiệu đến với công chúng.

 Uông Trung Hòa

 

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT