Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy di tích văn hóa Chăm Pa ở Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 13/02/2023 09:55:06
Số lần đọc: 472
Cùng với quần thể di tích cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các di tích phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời của văn hóa Chăm Pa. Việc bảo tồn và phát huy các di tích này tạo nên những địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Chăm Pa, trong đó có 17 đền, tháp; 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia giếng cổ…Ba địa điểm được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia gồm: Tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; tháp Phú Diên thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang và Thành Lồi thuộc phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Tháp Chăm Phú Diên (Huyện Phú Vang)

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có 251 hiện vật Chăm Pa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, trong đó có một Bảo vật quốc gia. Hầu hết các di tích Chăm Pa trên địa bàn tỉnh do thời gian quá lâu, thời tiết khắc nghiệt và chiến tranh tàn phá đã trở thành phế tích. Các hiện vật hiện đang lưu lạc nhiều nơi, cả trong nước và nước ngoài, riêng trong tỉnh Thừa Thiên Huế cũng do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, bảo quản. Do đó cần phải tập hợp lại về một đầu mối, có phương pháp kỹ thuật để giữ gìn và đưa ra trưng bày, phục vụ khách tham quan.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Để bảo tồn văn hóa Chăm Pa, trước hết phải huy động nguồn kinh phí, nguồn lực để bảo tồn các giá trị về các công trình. Bởi vì qua hàng nghìn năm thì bây giờ chỉ còn lại những dấu tích và những phế tích. Đó là vấn đề mà chúng tôi hết sức quan tâm”.

Di sản văn hóa Chăm Pa là một lớp trầm tích văn hóa và là một trong những thành tố có vị trí khá đặc biệt trong việc hình thành bản sắc văn hóa Huế. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa, văn hóa Chăm Pa ở Thừa Thiên Huế khác với các địa phương từ Quảng Nam trở vào, bởi vùng đất Thuận Hóa xưa - tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ngày nay là món quà sính lễ mà vua Chăm Pa Chế Mân tặng nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân.

Tháp Chăm được phát hiện vào tháng 4/2001, bị vùi sâu trong lòng cát từ 5-7 mét

Đi liền với đất, người Chăm bản địa đã ở lại chung sống với người Việt mới di dân đến, hiện tượng sống cộng cư Việt- Chăm, dần tiến tới hôn nhân Việt-Chăm, Chăm-Việt, tạo nên sự giao thoa văn hóa. Thừa Thiên Huế không chỉ là sự tồn tại đa dạng về các di tích, di sản vật thể của nền văn hóa Chăm Pa mà nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, ẩm thực, ngôn ngữ, hoạt động sản xuất… cũng được người Huế tiếp nhận và phát triển phù hợp trong dòng chảy văn hóa cho đến bây giờ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói: “Đã đến lúc Huế thành lập Bảo tàng văn hóa Chăm Pa ở Huế, phải là bảo tàng văn hóa Chăm Pa có cả những di vật, bằng vật chất như những tượng đá, những linga, những Yoni, mà còn có yếu tố phi vật thể hay những yếu tố về văn hóa đa dạng khác”.

Văn hóa Chăm Pa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Việc giữ gìn và phát huy các di tích và hiện vật sẽ làm giàu kho tàng văn hóa đất nước, đồng thời góp phần nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo nên những địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến vùng đất Thừa Thiên Huế.

Bệ thờ Vân Trạch Hòa.

Bên trong tháp Chăm Phú Diên.

Những năm qua, ngành văn hóa và các địa phương ở Thừa Thiên Huế đã đánh giá, thống kê các di tích, dấu tích về văn hóa Chăm Pa trên địa bàn tỉnh, từng bước số hóa các hiện vật, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan. Ngành văn hóa cũng đã triển khai đề tài về thống kê và bản đồ hóa hệ thống di tích Chăm Pa tại Thừa Thiên Huế. Đây là cơ sở dữ liệu nền để có thể tiến tới đưa vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia để khai thác, phát huy hiệu quả di tích.

“Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà nghiên cứu đều mong muốn rất lớn là nhà nước quan tâm, đầu tư để chúng ta thực sự có một thiết chế cụ thể, một bảo tàng về văn hóa Chăm Pa chẳng hạn, hoặc một trung tâm diễn giải về văn hóa Chăm Pa. Đó sẽ là một trong những điểm có thể khai thác rất tốt, phục vụ trực tiếp cho du lịch, dịch vụ.”- Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay./.

Lê Hiếu

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 12/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT