Hành trang lữ khách

Bình Liêu (Quảng Ninh) - mùa lau gọi

Cập nhật: 31/10/2022 08:26:52
Số lần đọc: 810
Khi những cơn gió đầu đông mang theo hơi lạnh heo may đến, ấy là lúc khắp các triền núi ở vùng Đông Bắc ngập tràn lau trắng. Những cây lau cao hơn thân người trổ bông trắng tinh khôi mang đến vẻ đẹp bình yên, hoang sơ nhưng cũng vô cùng quyến rũ.  

Mùa này, Bình Liêu (Quảng Ninh) đang là điểm đến được đông đảo du khách tìm đến, bởi đây là địa điểm cho phép du khách khám phá “sống lưng khủng long”, đắm chìm trong những vạt lau bồng bềnh trên sườn núi.

Đến Bình Liêu thời điểm này, du khách được trải nghiệm trekking "sống lưng khủng long" và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng núi.

Đặc sản “mùa vàng” Bình Liêu

Là một huyện miền núi biên giới phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270km. Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc.

Bắt đầu từ tháng 10 cho đến hết năm, Bình Liêu vào mùa đẹp nhất, cũng là “mùa vàng” đón khách du lịch. Tháng 10 và tháng 11, đúng mùa lau. Dù chỉ diễn ra trong hơn một tháng, nhưng mùa lau Bình Liêu lại trở thành “đặc sản”, được rất nhiều du khách, đặc biệt là khách trẻ tìm đến để trải nghiệm.

"Sống lưng khủng long” thực chất là đường tuần tra biên giới, trước đây là con đường mòn bằng đất trên đỉnh núi, đi lại khá hiểm trở. Hiện con đường đã được xây dựng lại để thuận tiện hơn cho việc di chuyển, với khoảng 2.000 bậc thang cho đoạn đường chừng 2km.

"Sống lưng khủng long" thực chất là đường tuần tra biên giới trên núi, khoảng 2.000 bậc thang, dài 2km.

Cung đường “sống lưng khủng long” Bình Liêu không quá lắt léo, gần như ai cũng có thể đi được. Tuy nhiên, chiều dài, độ dốc cũng như độ cao là thử thách không nhỏ cho sự kiên trì và dẻo dai về thể lực của du khách.

Khi đi trên “sống lưng khủng long”, vượt qua các đỉnh núi, du khách sẽ vô cùng thích thú trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Nhiều du khách còn ví von “sống lưng khủng long” này như “Vạn Lý Trường Thành” Việt Nam.

Đặc biệt, trên hành trình, du khách sẽ được đến nhiều cột mốc biên giới như: 1300, 1302, 1305 và 1327, trong đó đáng chú ý là cột mốc 1305 - cột mốc cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh.

Đến “mùa vàng” Bình Liêu thời điểm này, ngoài đắm chìm trong biển lau bồng bềnh như miền cổ tích, du khách còn được trải nghiệm mùa lúa chín. Đến cuối năm (tháng 12), khi lau bắt đầu tàn cũng là lúc Bình Liêu vào mùa hoa sở. Đây cũng được xem là “đặc sản” của du lịch Bình Liêu khi mùa đông đến.

Thời điểm tháng 10 và 11 là đúng mùa lau đẹp.

Lễ hội Bình Liêu - trải nghiệm khó quên

Để phát huy tiềm năng du lịch Bình Liêu, nhiều năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có chiến lược phát triển du lịch Bình Liêu trở thành điểm đến mới cho du khách, bên cạnh vịnh Hạ Long, Cô Tô, Móng Cái… Bình Liêu cũng đã xây dựng được sự kiện Tuần Văn hóa - du lịch đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều hoạt động trải nghiệm, giới thiệu văn hóa đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, thu hút được nhiều du khách.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, UBND huyện Bình Liêu ban hành kế hoạch tổ chức “Tuần Văn hóa - du lịch, Hội mùa vàng năm 2022” để kích cầu du lịch trở lại. Một số hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - du lịch Bình Liêu sẽ chính thức diễn ra từ ngày 29/10 đến 20/11. Lễ khai mạc sự kiện diễn ra vào 20h ngày 4/11 tại sân khấu Quảng trường 25/12.

Sáng 29/10 diễn ra giải chạy “Cung đường mùa vàng”, mở đầu cho Tuần Văn hoá - du lịch Bình Liêu 2022.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - du lịch, có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Giải chạy phong trào “Cung đường mùa vàng” được tổ chức ngày 29/10; nghi lễ mừng cơm mới được tổ chức ngày 4/11; đêm chung kết Hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất huyện Bình Liêu năm 2022; chương trình dù lượn “Bay trên mùa vàng”; giải bóng đá nữ các dân tộc huyện Bình Liêu được tổ chức vào ngày 5/11.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, trải nghiệm các điểm du lịch, ngắm ruộng bậc thang trên địa bàn huyện. “Hiện, các khách sạn, cơ sở lưu trú cũng đã được tập huấn, nâng cấp dịch vụ để sẵn sàng đón lượng khách lớn trong thời gian này”, bà Tuyết Hạnh cho biết.

Một trong những nét văn hóa hấp dẫn, ít nơi nào có được, đó là giải bóng đá của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ, diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - du lịch Bình Liêu.

Phiên chợ của đồng bào dân tộc Dao cũng là nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách đến Bình Liêu.

Theo Trung tâm Truyền thông huyện Bình Liêu, từ đầu tháng 10 đến nay, khách du lịch đến Bình Liêu ước đạt hơn 10 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú là 4.500 lượt. Dự kiến, đến hết tháng 10, khi Tuần Văn hóa - du lịch bắt đầu, lượng khách sẽ đến Bình Liêu đạt hơn 22.000 lượt. Tính tổng 10 tháng của năm 2022, lượng khách đến Bình Liêu đã là hơn 64.000 lượt, đạt 91,7% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông huyện Bình Liêu Tô Hiệu dự báo từ nay đến cuối năm, lượng khách sẽ còn tăng mạnh. Sau Tuần Văn hóa - du lịch Bình Liêu, địa phương còn lên kế hoạch chuẩn bị cho Lễ hội hoa sở, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2022.

Các cách có thể đi từ Hà Nội đến Bình Liêu:

- Nếu đi xe máy: Du khách theo lộ trình Hà Nội - quốc lộ 1 - quốc lộ 18 - Quế Võ (Bắc Ninh) - Phả Lại - Sao Đỏ - Đông Triều (Quảng Ninh) - Uông Bí - Hạ Long - cầu Bãi Cháy - Cẩm Phả - Cửa Ông - Mông Dương - Tiên Yên - ngã ba Tiên Yên rẽ trái sang quốc lộ 18C, đi về hướng Hoành Mô thêm chừng 28km là đến nơi.

- Nếu đi bằng ô tô: Theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, đi tiếp theo hướng quốc lộ 18 và 18C là đến nơi.

Du khách nên đi ô tô riêng hoặc xe khách đến Bình Liêu (giá khoảng 180.000 đồng/lượt) rồi thuê xe máy (200.000 đồng/ngày), để bảo đảm di chuyển thuận lợi.

- Dịch vụ lưu trú ở Bình Liêu khá rẻ và nhiều lựa chọn. Du khách có thể ở khách sạn 3 sao tại trung tâm huyện hoặc ở một số homestay bản địa như: Tô Hiệu, A Dào, A Píu, Hoàng Sằn, Sông Moóc... Giá lưu trú cộng đồng khoảng 70.000-80.000 đồng/khách. Nếu thuê phòng riêng, giá khoảng 250-300.000 đồng/phòng.


Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 29/10/2022

Cùng chuyên mục