Non nước Việt Nam

Đổi mới hoạt động tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Cập nhật: 26/04/2023 15:16:25
Số lần đọc: 410
Từng có thời gian bị xuống cấp, lấn chiếm, nhưng hiện nay, khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Thủ đô. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đang tiếp tục đổi mới hoạt động để phát huy hơn nữa giá trị của di tích.

Trình diễn thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngày 25/4, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (1988-2023): Kết quả và định hướng hoạt động”. Tọa đàm nhằm rút kinh nghiệm về công tác tổ chức các hoạt động bảo tồn, khai thác di sản Văn Miếu-Quốc Tử Giám; đưa ra những định hướng đổi mới hoạt động trong thời gian tới.

Sau khi nhà Lý định đô ở Thăng Long không lâu, triều đình đã cho xây dựng Văn Miếu, mở trường Quốc Tử Giám. Kể từ đó, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đóng vai trò trung tâm giáo dục cao cấp của Việt Nam qua suốt nhiều thế kỷ.

Sang đến thế kỷ 20, do thăng trầm của lịch sử và nhận thức về di sản văn hóa chưa đầy đủ, khu di tích từng trải qua giai đoạn bị xuống cấp, bị lấn chiếm một số hạng mục…

Thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, tôn tạo di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. 100% hạng mục của di tích đều được bảo quản và trùng tu bảo đảm đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu. Một số hạng mục được tái dựng như: Nhà Thái học, phương đình trên gò Kim Châu…Những hạng mục như cổng Tam quan, Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng cho Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Việc thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 1988 là nhân tố quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong những năm qua.

Khách du lịch nghe giới thiệu về khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày nay là một địa chỉ “không thể không đến” với du khách khi đến Hà Nội. Gần đây, di tích tiếp tục đổi mới với những hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài như các cuộc trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm khoa học, các cuộc thi về mỹ thuật, thiết kế liên quan đến di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay đạo học xưa…

Tại tọa đàm, các đơn vị, tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm phát huy giá trị di sản Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thí dụ như đẩy mạnh khai thác hoạt động kinh tế đêm, tổ chức khu vực hồ Văn thành không gian văn hóa, ứng dụng công nghệ vào công việc và hoạt động của Trung tâm, từ việc số hóa, lưu trữ tư liệu đến việc phổ biến, giới thiệu, trưng bày, triển lãm...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thu hút nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, quản lý kiến trúc đô thị các khu phố chung quanh tạo sự hài hòa với di tích...

Những ý kiến này được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ghi nhận, từ đó, tham mưu thành phố xây dựng chính sách để phát huy tốt hơn nữa giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Giang Nam

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 25/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT