Hoạt động của ngành

Hà Nội: Tạo sức hấp dẫn cho bảo tàng, di tích

Cập nhật: 16/11/2021 09:36:19
Số lần đọc: 773
Các bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đã qua một thời gian khá dài không được đón khách để phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng đó là khoảng thời gian các bảo tàng, di tích chuẩn bị để có những đột phá khi mở cửa trở lại. Ðiểm nhấn cho việc "làm mới" các hoạt động của bảo tàng, di tích là những ứng dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá, tăng trải nghiệm cho khách tham quan.


Khách tham quan sử dụng hệ thống thuyết minh tự động khi tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp trước 23/7).

Hệ thống bảo tàng, di tích luôn là điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn Thủ đô. Ngoài những di tích, bảo tàng do thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý, việc "giữ chân" khách du lịch còn có sự đóng góp của nhiều bảo tàng, di tích trung ương như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Dịch Covid-19 khiến những điểm đến văn hóa này phải đóng cửa. Dịch bệnh cũng khiến thị hiếu, thói quen du lịch của khách thay đổi. Do đó, đại diện các di tích, bảo tàng trên địa bàn đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong đổi mới hoạt động tại Tọa đàm "Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các bảo tàng, di tích tại Hà Nội" vừa diễn ra tại Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trong bối cảnh hoạt động không có nguồn thu, không được đón khách, nhưng các di tích, bảo tàng không "đóng băng" mà chuẩn bị nhiều hoạt động cho giai đoạn phục hồi. Nhiều di tích, bảo tàng lựa chọn ứng dụng công nghệ là điểm nhấn cho quá trình đón khách trong giai đoạn mới. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho ra đời sản phẩm trưng bày số ứng dụng công nghệ tương tác 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày cố định của bảo tàng. Sản phẩm tua trưng bày số tích hợp nhiều công nghệ; mang đến chuỗi tương tác, trải nghiệm đa giác quan với nhiều cấp độ thông tin khác nhau. Sản phẩm bao gồm tua 360 dựng lại không gian trưng bày ba chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử, Thời trang nữ; lắng nghe thuyết minh trên nền nhạc truyền thống về câu chuyện hiện vật; không gian 3D các tầng trưng bày tổng thể theo hệ thống. Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tạo sản phẩm mới, tăng sức hút đối với du khách.

Tương tự, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã ra mắt những ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày. Nổi bật trong đó là trưng bày tương tác ảo 3D với chuyên đề "Bảo vật quốc gia". Ứng dụng này cho phép du khách tương tác, trải nghiệm với 20 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại bảo tàng. Bên cạnh đó, còn có tua tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online) miễn phí, các chương trình "Giờ học lịch sử", "Câu lạc bộ Em yêu lịch sử" được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thu Hoan cho rằng, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động của bảo tàng dù rất khó khăn nhưng cần thiết phải áp dụng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả công việc này, được nhiều người đánh giá cao. Nhưng điều quan trọng và cốt lõi nhất khi áp dụng công nghệ mới vẫn là yếu tố con người và công tác chuẩn bị nội dung để vận hành bảo đảm sự phong phú, hấp dẫn, thu hút được khách.

Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã ứng dụng hệ thống thuyết minh tự động từ lâu. Giám đốc Trung tâm Lê Xuân Kiêu cho biết: "Trước bối cảnh mới, chúng tôi xác định công nghệ vẫn là cách thức đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Trong thời gian tới, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ xây dựng ứng dụng trên internet, cho ra mắt sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo. Qua đó, khách tham quan có thể tương tác với rô-bốt để tìm hiểu các thông tin về di tích, chủ động tiếp cận trong bối cảnh dịch Covid-19".

Ứng dụng công nghệ là một trong những yếu tố giảm tương tác trực tiếp, tăng thêm trải nghiệm cho khách tham quan. Ðiều này rất có ý nghĩa khi các điểm đến văn hóa phải thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia khẳng định việc ứng dụng công nghệ là cần thiết, song không nên chạy theo trào lưu, mà cần nghiên cứu, cân nhắc ứng dụng làm sao cho hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý chia sẻ: "Chúng ta cần nghiên cứu để có được sản phẩm phù hợp, đồng thời, cần triển khai thận trọng, từng bước để đánh giá. Chúng ta có thể phối hợp các đơn vị công nghệ để thực hiện, nhưng không được giao khoán cho các đơn vị công nghệ". Cảnh báo này không phải không có cơ sở, khi một số bảo tàng, di tích cung cấp dữ liệu cho đối tác công nghệ để viết ứng dụng, song, khi triển khai, đơn vị thực hiện công nghệ lại khai thác, viết chương trình theo cách nhìn khác do họ không biết đơn vị quản lý bảo tàng, di tích muốn hướng tới phục vụ ai, đối tượng khách hàng nào. Việc ứng dụng công nghệ càng cần thiết khi tất cả các ngành của Việt Nam đều đang trong lộ trình chuyển đổi số. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Ðịnh Phong đề nghị, bảo tàng, di tích dù chú trọng ứng dụng công nghệ, thì cũng đừng quên việc chuyển đổi số không thể thay thế hoạt động của bảo tàng, di tích truyền thống. Do đó, các bảo tàng, di tích cần phối hợp tốt cả hai yếu tố. Ðồng thời, cần phối hợp ngành giáo dục để thực hiện chức năng giáo dục. Bởi, học sinh, trẻ em chính là nguồn khách hàng tiềm năng của bảo tàng, di tích trong lâu dài.

Giang Nam

 

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục