Non nước Việt Nam

Hà Nội: Thanh Liệt - miền quê hiếu học

Cập nhật: 20/01/2022 11:23:21
Số lần đọc: 724
5 năm gần đây, cứ vào ngày mùng 5 tháng Giêng, tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì - quê hương “Người thầy của muôn đời” - Chu Văn An), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng UBND huyện Thanh Trì lại tổ chức Lễ khai bút đầu xuân. Nhiều hoạt động như lễ dâng hương tri ân công đức của thầy Chu Văn An; lễ báo công của thầy cô giáo và học sinh các nhà trường; lễ khen thưởng thầy cô có thành tích trong công tác và các em học sinh đạt thành tích cao... cũng được địa phương tiến hành nhằm duy trì truyền thống hiếu học, niềm tự hào của người dân Thanh Liệt.


Cổng làng Thanh Liệt (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Đất danh nhân, làng hiếu học

Nằm ven sông Tô Lịch, làng Thanh Liệt (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) có lịch sử hình thành, phát triển gần 2.000 năm. Mảnh đất này đã sinh ra nhiều danh nhân lớn như Phạm Tu, Chu Văn An...

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Phong giới thiệu: Người làng Thanh Liệt tự hào là đất “địa linh, nhân kiệt”. Đô hồ Đại vương Phạm Tu (476 - 545) là người có công giúp vua Lý Nam Đế đánh tan giặc Lương, lập nên nhà nước Vạn Xuân năm 544. Sau khi Phạm Tu mất, dân làng lập đền thờ ông ở cánh đồng thôn Trung (gọi là đình Ngoài). Ngoài ra, Thanh Liệt còn có miếu thờ ông tại thôn Vực.

Một điều tự hào nữa: Thanh Liệt chính là quê hương của thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370). Thầy nổi tiếng là người tài cao, đức lớn, cương trực, đào tạo được nhiều học trò giỏi cho đất nước. Thuở đó, trường lớp rất ít, chủ yếu để dạy học cho con vua, quan, con em nhân dân phần lớn thất học, thầy Chu Văn An đã mở trường Huỳnh Cung tại quê nhà để dạy học. Trường có lớp, thư viện, học trò đến học khá đông, có người đỗ Thái học sinh, tương đương học vị tiến sĩ, gây tiếng vang lớn trong giới sĩ tử đương thời. Danh tiếng của thầy Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết tới, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp (như Hiệu trưởng bây giờ) trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước. Thầy là tấm gương sáng, được hậu thế tôn vinh là “Người thầy của muôn đời”; nhân dân làng Thanh Liệt gọi thầy là “Đức Thánh Chu”, “Đức Thánh Văn”, tôn thầy là Thành hoàng làng và thờ tại đình Trong.

Theo cuốn lịch sử truyền thống cách mạng xã Thanh Liệt: Tiếp nối truyền thống của ông cha, các thế hệ người làng Thanh Liệt đều ham học và nhiều người đỗ đạt, phục vụ đất nước. Hậu duệ đời thứ tư của thầy Chu Văn An là cụ Chu Đình Báo đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1484)... Rồi, từ những năm đầu của thế kỷ XX, Trường Tiểu học Thanh Liệt đã được thành lập - là ngôi trường có rất sớm ở tỉnh Hà Đông khi đó.

Xã Thanh Liệt ngày nay đã có rất nhiều đổi thay. Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến làng chẳng khác nào phố. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng cao và các gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho việc học của con em. Xã Thanh Liệt có hàng trăm cử nhân, hàng chục thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người có học hàm cao. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Hưởng, tỷ lệ học sinh lớp 12 của xã đỗ đại học mỗi năm luôn đạt hơn 60%. Quá trình học tập, có nhiều em đạt thành tích cao, như Nguyễn Đình Tiến Dũng (thôn Nội), Vũ Quang Tùng (thôn Thượng) nhiều năm liên tiếp là học sinh giỏi cấp quốc gia.

Gia đình ông Vũ Hồng Việt (xóm chùa Nhĩ, thôn Thượng) là một trong những gia đình có truyền thống hiếu học. Ông Việt cho biết: “Khoảng năm 1955, bố tôi đã được đi học ở Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An ngày nay - PV), rồi làm cán bộ nhà nước. Anh em chúng tôi phát huy truyền thống cũng học hành tiến bộ, công tác trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, đại gia đình tôi có 4 người có học vị thạc sĩ, tốt nghiệp đại học thì nhiều lắm”.

Tôn vinh tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo

Đình thờ Tiên triết Chu Văn An ở xã Thanh Liệt được đầu tư xây dựng khang trang, là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của quê hương

Chăm lo sự nghiệp “trồng người”, xã Thanh Liệt luôn quan tâm đến công tác giáo dục. Hiện, xã có 3/5 trường đã đạt chuẩn quốc gia. Xã đã thành lập Hội Khuyến học; các thôn, tổ dân phố đều thành lập Chi hội Khuyến học và các dòng họ cũng có Quỹ Khuyến học riêng để khích lệ tinh thần học tập của con em. Ông Vũ Hồng Việt, Trưởng họ Vũ ở làng Thanh Liệt cho biết: “Họ Vũ có hơn 200 gia đình. Vào dịp giỗ họ, các gia đình đều tự nguyện đóng góp để gây quỹ. Cũng vào ngày này, dòng họ tổ chức trao thưởng cho các cháu học giỏi, mỗi năm có gần 200 học sinh, sinh viên được dòng họ khen thưởng”.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), xã Thanh Liệt đều tổ chức ngày hội khuyến học tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An với các hoạt động Lễ dâng hương; Lễ báo công của thầy cô và học sinh các nhà trường; Lễ khen thưởng thầy cô có thành tích trong công tác và các em đạt học sinh giỏi cấp huyện trở lên; các em đỗ thủ khoa đại học và tốt nghiệp đại học loại giỏi...

Trong 5 năm gần đây, Hội Khuyến học xã Thanh Liệt đã khen thưởng 44 gia đình hiếu học tiêu biểu, 14 học sinh giỏi cấp quốc gia, 39 học sinh giỏi cấp thành phố, 854 học sinh giỏi cấp huyện, 174 giáo viên giỏi và giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua... Đó là những thành tích rất đáng tự hào. “Gia đình là nơi tạo điều kiện để các thành viên được học hành tốt nhất, và các thành viên trong gia đình thành đạt là gương sáng để con cháu noi theo. Chính vì vậy, khác với các địa phương khác, mỗi năm, chúng tôi đều khen thưởng các hộ gia đình hiếu học tiêu biểu để động viên phong trào” - Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Hưởng nói.

Tôn vinh tinh thần hiếu học, 5 năm gần đây, đình thờ Tiên triết Chu Văn An còn là nơi được Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Thanh Trì và xã Thanh Liệt tổ chức Lễ khai bút đầu xuân (diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng). Trong ngày này, làng quê Thanh Liệt vui như hội. Ban tổ chức mời các thầy đồ viết chữ đẹp ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Nghiên cứu Hán Nôm về khai bút, viết chữ tặng nhân dân. Rất đông người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong làng và cả các địa phương lân cận đã về làm lễ.

Lễ khai bút là dịp để tri ân, tưởng nhớ “Người thầy vĩ đại của muôn đời”, bày tỏ sự trân trọng với truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Những nét bút đầu tiên của năm mới như sự khởi đầu tốt đẹp về sự học hành, đỗ đạt để góp phần phục vụ công cuộc phát triển đất nước, đồng thời tô đậm truyền thống tốt đẹp của Thanh Liệt trong lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Xã Thanh Liệt đã được Nhà nước đầu tư khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An quy mô khoảng 100ha, trong đó, giai đoạn 1 đang thực hiện gần 55ha với nhiều hạng mục như các công trình tưởng niệm, bảo tàng, tượng đài cùng các di tích đình Ngoại, chùa Quang An. Khu vực 2 là công viên văn hóa, hồ điều hòa phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân. Mong muốn của địa phương là công trình được đẩy nhanh tiến độ để nơi đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách.

Nguyễn Mai

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT