Non nước Việt Nam

Hòa Bình: Độc đáo cơm lam Mường Động

Cập nhật: 30/11/2021 07:57:29
Số lần đọc: 721
Đến Mường Động (Kim Bôi), ngoài nghỉ dưỡng, thăm quan, đắm mình trong dòng suối khoáng nóng ấm, tinh khiết, du khách còn được thưởng thức hương vị cơm lam - món ăn truyền thống dân dã chan chứa tình cảm người Mường Động.


Cơm lam là món ăn truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất Mường Động (Kim Bôi), hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP.

Theo các cụ cao niên trong khu Mớ Đá (thị trấn Bo), xưa kia người Mường Động thường đi rừng, đi nương từ mờ sáng cho tới khi mặt trời lặn, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Vì vậy, người dân thường mang lương thực như gạo, muối để ăn. Do không thể mang theo những vật dụng làm bếp nên người Mường đã sáng tạo ra việc dùng ống hóp, cho gạo vào trong đem nướng trên lửa đến khi gạo trong ống chín thành cơm. Khi ăn, cơm có vị ngọt, bùi cùng mùi thơm của ống hóp nên người dân gọi là "cơm lam”.

Từ đời này qua đời khác, thế hệ con cháu Mường Động đã giữ gìn món ăn truyền thống cơm lam của cha ông. Đặc biệt, cơm lam còn được quảng bá tới du khách trong và ngoài tỉnh. Tại khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, cơm lam trở thành món ăn đặc sản, thức quà hấp dẫn chứa đựng văn hóa, tình cảm người Mường Động dành cho du khách. Từ năm 2003 đến nay, gia đình anh Phạm Hồng Sơn, khu Mớ Đá luôn cố gắng giữ hương vị đặc trưng của cơm lam, phấn đấu đưa cơm lam Mường Động trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Anh Sơn chia sẻ: Với mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Mường Động, tôi cùng các thành viên trong gia đình quyết tâm đưa sản phẩm cơm lam Mường Động trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào năm nay. Khi được gắn sao OCOP, cơm lam Mường Động sẽ có thương hiệu, được người tiêu dùng khắp mọi nơi biết đến. Gia đình tôi liên kết với 5 hộ dân trong khu Mớ Đá để sản xuất cơm lam. Hiện, cơm lam chủ yếu phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, cung cấp cho một số nhà hàng, quán ăn tại Hà Nội. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi ngày tiêu thụ được khoảng 300 - 400 ống, giá bán 5.000 đồng/ống; doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng tiêu thụ giảm một nửa so với các năm trước. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm cơm lam Mường Động đã hoàn thiện xong hồ sơ, thủ tục về chứng nhận an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, câu chuyện OCOP…, sẵn sàng tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh.

Nguyên liệu chính để tạo ra món cơm lam dẻo thơm gồm: Gạo nếp nương, đường, muối, cùi dừa, ống hóp tươi. Ống hóp phải là ống bánh tẻ, không được già vì khi nướng trên lửa ống cơm sẽ bị héo, khô và bị cháy. Ống hóp được cắt ngắn thành từng đốt có mấu, dài 20 - 30 cm. Gạo ngâm khoảng 12 tiếng để hạt gạo mềm, dễ chín, đem đãi sạch trộn với chút muối trắng, đường, cùi dừa rồi cho vào ống hóp để lại khoảng 1 phân. Sau đó đổ nước, nút kín đầu bằng mẩu mía, lá chuối và xếp vào lò theo hình tròn. Khi nướng phải nướng bằng than củi và xoay đều những ống cơm. Sau khoảng 45 - 50 phút, khi mùi thơm từ ống hóp bốc lên là cơm đã chín. Dùng dao chẻ bỏ phần vỏ ống vàng, cho ống cơm vào túi hút chân không.

Để thưởng thức cơm lam phải bóc từ từ phần vỏ mới giữ được lớp màng mỏng của ống hóp, cơm lam sẽ đậm đà mùi thơm, vị ngọt của ống hóp. Cơm lam dùng chấm với muối vừng, có thể bảo quản trong môi trường bên ngoài 2 ngày, bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh 15 ngày, sau đó hấp hoặc chiên bơ vẫn giữ được hương vị của cơm lam.

Thu Thủy

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT