Hoạt động của ngành

Khách nội địa - giải pháp ngắn hạn cho ngành du lịch sau đại dịch

Cập nhật: 05/05/2020 08:30:24
Số lần đọc: 609
Trong ngành du lịch, thị trường khách quốc tế luôn được đầu tư và đánh giá cao vì tạo doanh thu khá cao. Tuy nhiên, nếu có sự so sánh về số lượt khách thì du lịch trong nước luôn đạt con số thống kê qua các năm lớn hơn nhiều so với khách quốc tế. Trong tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng còn kéo dài và phức tạp, việc điều chỉnh thị trường mục tiêu hướng đến phân đoạn khách du lịch nội địa trong ngắn hạn là cần thiết.

Thắng cảnh Bàn Than (xã Tam Hải, Núi Thành). Ảnh: TÍN ĐOÀN
Thắng cảnh Bàn Than (xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam). Ảnh: TÍN ĐOÀN

Trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, nhiều điểm du lịch trong nước có được những tín hiệu vui đầu tiên sau khi Chính phủ cho phép các địa phương triển khai hoạt động kinh doanh trở lại. Du khách tại các thành phố lớn đã du lịch đến các điểm du lịch lân cận để nghỉ ngơi và vui chơi sau nhiều ngày ở nhà giãn cách xã hội phòng dịch. Việc tập trung đông đúc ở một số điểm du lịch có thể nảy sinh những lo ngại về khả năng lây nhiễm dịch, tuy nhiên nó phản ánh rõ nét nhu cầu du lịch rất cao của người dân cả nước.

Du lịch nội địa cũng là một phân khúc thị trường được các chuyên gia du lịch quốc tế và nhiều nước hướng đến. Theo điều tra của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch tại các nước Bắc Mỹ, châu Âu và Bắc Á trong thời gian tới sẽ có xu hướng du lịch giữa các thành phố trong nước nhiều hơn là du lịch đến các điểm đến xa quốc gia của họ. Sự quan tâm của thị trường khách du lịch đến tình hình dịch bệnh của các quốc gia, vấn đề visa, đóng cửa biên giới và vấn đề hạn chế khả năng vận chuyển của các hãng hàng không sẽ gây nhiều trở ngại để di chuyển cho những chuyến đi xa. Trong chiến lược tiếp thị và quảng quá hoạt động du lịch tại Úc và New Zealand, các cơ quan quản lý du lịch nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động du lịch nội địa như là giải pháp cho việc duy trì và hồi phục hoạt động kinh doanh du lịch sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam đang có lợi thế rất lớn là thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận nhờ vào sự quyết tâm và điều hành quyết liệt của chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Quảng Nam là một trong những tỉnh có khách du lịch đến từ các quốc gia có dịch và phải thực hiện việc cách ly tập trung từ rất sớm. Dù có những khó khăn và thử thách trong công tác cách ly và điều trị, Quảng Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan vi rút trong cộng đồng, ổn định tâm lý khách du lịch và tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Đây chính là tiền đề để Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng xây dựng hình ảnh của điểm đến an toàn sau dịch.

Để đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, đòi hỏi cơ quan quản lý điểm đến và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần có sự phối hợp và nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch. Cho dù khuyến cáo về giãn cách xã hội để phòng dịch vẫn phải thực hiện, việc mở rộng không gian điểm đến và khai thác các điểm du lịch mới, gắn liền với tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên là một trong những hướng đi được nhiều nước hướng đến.

Quảng Nam có được nguồn tài nguyên du lịch phong phú, từ khu vực rừng núi phía tây đến bờ biển trải dài từ Điện Bàn đến Núi Thành. Thêm vào đó, Cù Lao Chàm là điểm đến hàng đầu cho các hoạt động du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng biển. Trong ít năm gần đây, các tuyến du lịch gắn liền với các thắng cảnh như đồi chè ở Đông Giang, đỉnh Quế ở Tây Giang, Hòn Kẽm - Đá Dừng, vườn trái cây Đại Bình ở Nông Sơn, xã đảo Tam Hải (Núi Thành)… đang dần trở thành điểm đến mới thú vị cho du khách trẻ tuổi. Việc triển khai quản lý và xúc tiến quảng bá thu hút khách sẽ góp phần tạo nên nhiều lựa chọn hơn cho khách du lịch địa.

Thêm vào đó, bên cạnh chính sách về điểm đến, chính sách về giá và chia sẻ lợi nhuận cũng cần được xem xét. Đây là thời điểm để các đơn vị kinh doanh có sự liên kết và phối hợp, chia sẻ khó khăn để có thể duy trì hoạt động kinh doanh và tăng cường đón khách. Việc phối hợp trong công tác quảng bá cần đẩy mạnh đi kèm với chính sách giảm giá, giảm chiết khấu hoa hồng từ các đối tác kinh doanh, nhất là các trang web đặt chỗ qua mạng cần được các đơn vị có liên quan chung tay hợp tác. Tại New Zealand, các nhà hàng, khách sạn đã có nhiều sáng kiến kết hợp với nhau để khách hàng có thể đến một cơ sở kinh doanh nhưng vừa được thưởng thức đồ ăn và thức uống từ các cơ sở khác mà họ ưa thích với mức giá ưu đãi. Điều này giúp gia tăng sự hài lòng của khách hàng, giảm việc tiếp xúc gây nguy cơ lây lan dịch bệnh và tăng khả năng chi tiêu của khách hàng. Những sáng kiến này cần được nghiên cứu và triển khai để có được những chương trình khuyến mãi hấp dẫn du khách trong nước.

Việt Nam bước vào mùa du lịch nội địa và Quảng Nam đang ở trong thời điểm đẹp của du lịch biển. Nếu chính quyền, cơ quan chuyên môn phòng chống dịch bệnh, cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch có thể thống nhất triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, Quảng Nam được tin tưởng sẽ là điểm đến an toàn cho hoạt động du lịch hè năm 2020, góp phần hạn chế khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch và vực dậy ngành du lịch địa phương.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục