Hành trang lữ khách

Láng Sen: Thiên đường xanh giữa Đồng Tháp Mười

Cập nhật: 22/07/2020 10:45:12
Số lần đọc: 1529
Từ trung tâm huyện Tân Hưng, chạy theo đường kênh 79 chừng 8 km, chúng tôi được nhân viên bơi xuồng đưa qua sông vào Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An). Vùng đất ngập nước Láng Sen, khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, được ví như cái “rốn” của Đồng Tháp Mười.

Chúng tôi rất bất ngờ khi đứng trước cánh đồng sen rộng lớn hàng chục héc-ta, hay nói đúng hơn là rừng sen rực rỡ giữa Đồng Tháp Mười. Thấy khách cứ ồ, à phấn khích, anh Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ quản lý nguồn nước Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, dừng vỏ lãi vừa hướng dẫn chúng tôi lên bờ vừa bảo: “Sen mọc tự nhiên ở khu ngập nước này. Sen tự nhiên là loài gốc ở đây, làm nên tên gọi Láng Sen, nghĩa là vùng láng lung có nhiều sen mọc hoang dã”.

Theo anh Lâm, Láng Sen có khu 60 ha chủ yếu là sen mọc tập trung, còn các khu vực khác sen cũng mọc nhiều xen các loại cây cỏ, rừng tràm… Mùa sen nở hoa rất đẹp, “tính ra vài chục héc-ta sen cho lượng gương, ngó rất lớn. Nhưng ở đây sen ra gương bao nhiêu chim, chuột ăn hết bấy nhiêu”, anh Lâm nói.

Chỉ tay phía xa, anh Lâm thuyết minh: “Con đen bay bay, nhỏ nhỏ là chèo bèo. Con đen nhảy nhảy là trích cồ, giang sen… chúng nhổ ngó sen, cỏ năn để ăn. Trích cồ, diệc lửa thấy nó bự chứ mỏng manh vì có cổ tròn khẳng khiu”.

Dọc bờ bao chúng tôi đi, giẫm chân lên rất nhiều vỏ ốc, “do bìm bịp, cò ốc… bắt làm thức ăn. Một con cò ốc trưởng thành có thể ăn hết 2 kg ốc mỗi ngày”, anh Lâm cho biết.

Hệ sinh thái Láng Sen đa dạng, không chỉ tạo nguồn thức ăn phong phú cho các loài động vật, mà còn là nơi trú ngụ của chúng. Còn kia là đồng cỏ ngập nước theo mùa, anh Lâm giải thích: “Trảng cỏ lên theo nước, tự nhiên, loài nào phát triển được thì vượt lên, con người không có sự can thiệp nào hết. Khu này cỏ mọc rất tự do. Cỏ ống, rau dừa, cỏ năn, mồm mỡ… Xanh xanh dài lá là lúa ma, nguồn thức ăn cho các loài cá, chim”.

Anh Nguyễn Thanh Lâm làm việc ở khu bảo tồn khoảng 10 năm, công việc chính là quản lý, điều tiết nguồn nước. Qua hệ thống quan trắc nước để đưa ra cách xử lý, ví dụ độ phèn cao cá sẽ chết, nên “mình sẽ đưa ra phương án cải thiện như thế nào”. Cũng theo anh Lâm, những năm gần đây nguồn nước không ổn định, chất lượng tuỳ theo mùa, như mùa nước nổi năm 2019 nước về chậm hơn 1 tháng, còn năm trước nữa nước ngập bờ vài tấc.

Còn năm trước nữa, anh Lâm cho biết, khu bảo tồn bị khô hạn, cá mắc kẹt trong các hố, cán bộ, nhân viên phải dốc sức đưa cá ra kênh, đào rãnh, bơm dẫn nước từ các kênh chung quanh vào vùng lõi để cứu cá. Vào tháng 4/2016, nhiều khu vực rạch trong Láng Sen, nhất là khu vực cách ly đặc biệt 200 ha, được mệnh danh là “tổ chim Đồng Tháp Mười”, nơi duy nhất ở Việt Nam có loài chim, cò quý hiếm đặc trưng vùng ngập làm tổ và sinh sản bị cạn trơ đáy.

Nhớ lại đợt hạn năm 2015-2016, ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, cho rằng: “Năm đó rất nhiều khu vực bàu khô, cá chết, đồng sen 60 ha cũng khô chết. Đây được xem là vùng rốn, trũng nhất của Đồng Tháp Mười, đặc biệt khu cách ly 200 ha vốn được bảo vệ nghiêm ngặt, không có dấu chân người và hoàn toàn để mực nước theo tự nhiên từ trước đến nay. Đó là lần đầu tôi chứng kiến khu vực cách ly này bị cạn trơ đáy, nên phải can thiệp nước vào để tránh ảnh hưởng đến sinh thái. Chúng tôi phải bắt nhiều con cá tra nặng hàng chục ký để bảo đảm an toàn cho loài “thuỷ quái” quý hiếm của vùng ĐBSCL này”.

Chính những con người yêu thiên nhiên, nỗ lực hết mình như vậy đã góp phần gìn giữ và bảo tồn “thiên đường xanh” Láng Sen. Nơi đây như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ hấp dẫn, ngày càng thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, nghiên cứu./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục