Non nước Việt Nam

Nét riêng của nón lá Bình Định

Cập nhật: 23/06/2020 14:00:39
Số lần đọc: 1496
Trên dải đất hình chữ S, dù ở bất cứ nơi đâu, bạn đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá như một biểu tượng cho sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ Việt. Tuổi thơ tôi cũng gắn liền với hình ảnh chiếc nón lá theo bà theo mẹ tảo tần ra đồng, ra chợ, bôn ba gồng gánh in bóng trên những con đường trải nắng.

Nếu áo bà ba - khăn rằn - nón lá thể hiện vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Nam Bộ, hay nét thanh thoát trong chiếc áo dài cùng chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng giấu đi ánh mắt, nụ cười e thẹn của cô gái Huế, thì nón lá Bình Định không chỉ hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp ấy mà còn mang trong mình nét đặc trưng rất riêng, không nơi nào có được.

Nón lá Bình Định nổi tiếng có hai loại là: nón lá thông thường và nón ngựa Phú Gia. Nếu nón lá thông thường tôn lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh lịch của người phụ nữ Bình Định, thì nón ngựa là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con người miền đất võ. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón, thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa, đi tuần. Thời xưa, nón chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, quyền quý, nhất là những người có chức vị nên dân gian có câu trào phúng:

“Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam gian

Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te…”

Làng nón ngựa Phú Gia thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát, có tuổi đời hơn 300 năm. Mỗi chiếc nón được tạo nên từ bàn tay tài hoa, khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường nét của người thợ thủ công nơi đây. Để đảm bảo làm ra những chiếc nón bền đẹp nhất, tất cả nguyên vật liệu phải được lấy vào thời điểm cuối đông đầu xuân. Người làm nón lên rừng chặt cây giang đem về, chẻ ra từng miếng cật dày, sau đó nạo sạch vỏ, phơi khô, chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ và đều. Lá cọ làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng rồi phơi sương để lá vừa khô lại vừa có được độ mềm dẻo cần thiết. Ngoài ra cần chuẩn bị: dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... tất cả đều được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi trải qua 20 công đoạn mới hình thành một chiếc nón, trong đó 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn và lợp lá.

Đến đây, cẩm trên tay chiếc nón, bạn mới thật sự cảm nhận được sự công phu và tâm huyết mà những người thợ thủ công gửi gắm vào trong đó. Từng đường thêu long - lân - quy - phụng, lưỡng long tranh châu, mai - lan - cúc - trúc hay khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp… vừa sắc sảo, tinh tế vừa như ẩn chứa khát vọng, mong ước về một cuộc sống thanh bình, hanh thông, tươi đẹp.

Ngày xưa, những người có chức sắc khác nhau thì các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau, từ cấp xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc chạm trổ trên đỉnh nón. Cũng chính vì vậy mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa tôn lên nét cao sang quý phái, vừa thể hiện sự uy nghiêm, lại vừa tạo sự trang nhã, mềm mại và trở thành nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Ngày nay, nón ngựa Phú Gia đã có sự cách tân, đổi mới để phù hợp, thu hút khách du lịch nhưng vẫn kế thừa, lưu giữ lại nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.

Dù nhịp sống hiện đại đôi lúc vô tình che mờ những giá trị một thời nhưng hình ảnh chiếc nón Bình Định và những nét đẹp nhân văn rất riêng của nó sẽ không bao giờ bị lãng quên hay phủ nhận. Nón lá nói chung, ngón ngựa Phú Gia nói riêng vẫn âm thầm lặng lẽ hiện diện, không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người Bình Định và tự hào vươn xa đến thế giới./.

Nguồn: TTTTXTDL Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT