Hành trang lữ khách

Những điểm du Xuân lý tưởng ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Cập nhật: 09/01/2020 10:27:27
Số lần đọc: 853
Không chỉ có biển mà còn có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đẹp, cảnh quan hữu tình lý tưởng cho du khách hành hương, du Xuân trong những ngày đầu năm mới.

Một trong những điểm đến luôn thu hút đông đảo người dân và du khách hành hương trong những ngày đầu năm là Hòn Bà. Tương truyền, nơi đây do một hương chức thôn hội làng Thắng Tam xây dựng năm 1781 để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa miếu Hòn Bà mới có hình dạng như hiện nay với chiều cao nổi trên mặt đất 4m. Bên trong miếu là điện thờ các vị thần linh. Bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến. 

Đứng trên mũi Nghinh Phong nhìn xuống, trong sớm bình minh hay ráng chiều, Hòn Bà hòa quyện với cảnh quan Bãi Sau thơ mộng mang đến cho du khách cảm giác tĩnh tại, bình yên. Xung quanh Hòn Bà là bãi đá ngầm lởm chởm. Khi thủy triều lên, muốn ra đảo bằng thuyền hoặc xuồng máy không thể chạy thẳng từ đất liền mà phải lượn vòng ra phía biển rồi cập bến phía Đông của đảo. Khi thủy triều xuống, một con đường đá lởm chởm nối từ bờ biển đến Hòn Bà hiện ra. Đá gồ ghề, nhuyễn thể bám vào tạo góc cạnh sắc nhọn, đi lại không cẩn thận sẽ rách chân, vấp ngã. Thế nhưng, vào những ngày đầu tháng, giữa tháng âm lịch khi nước rút, con đường này luôn tấp nập người ra vào bất kể sáng sớm hay chiều muộn. Không chỉ người dân Vũng Tàu, du khách từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, BR-VT… cũng nườm nượp kéo về dâng hương, cầu bình an, công ăn việc làm phát đạt. Mỗi năm miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước, gồm: tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch). Riêng trong tháng Giêng, từ ngày 13-17 âm lịch, khoảng 5 giờ sáng đến 10 giờ, thủy triều xuống mức thấp nhất là thời điểm phù hợp để người dân và du khách thập phương bách bộ viếng Hòn Bà.

Theo đường Hạ Long về Bãi Trước, Niết Bàn Tịnh Xá tọa lạc bên triền Núi Nhỏ (số 66/7, Hạ Long) từ lâu đã trở thành điểm hành hương đầu năm của khách thập phương. Chùa được xây dựng từ năm 1969 và khánh thành vào năm 1974. Khách thập phương đến chùa ngoài hành hương lễ Phật cầu bình an cho năm mới còn được chiêm ngắm những công trình độc đáo của đạo Phật như: bức tượng Phật nhập niết bàn dài 12m, đài sen cao gần 30m và nhiều bức phù điêu ghép từ những mảnh sứ men trắng vẽ lam, một kỹ thuật khá thịnh hành ở các chùa miếu, lăng tẩm Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 

Từ Niết Bàn Tịnh Xá, du khách không chỉ quan sát Bãi Dứa sóng bạc tung trắng xóa mà còn phóng tầm mắt ra xa bao quát toàn bộ Vịnh Gành Rái tấp nập tàu thuyền vào ra. Giữa thời khắc đất trời vào xuân, trong tiếng chuông chùa vẳng đưa, khách thập phương sẽ tìm được phút giây thư thái, lắng đọng, gác lại những toan tính đời thường.

Một công trình kiến trúc khác của đạo Phật cũng rất đáng để hành hương trong những ngày đầu năm mới là Thích Ca Phật Đài. Thích Ca Phật Đài được xây dựng năm 1961, khánh thành năm 1963. Ngoài những công trình kiến trúc gắn với đạo Phật như: Chùa, tượng Phật nằm, Phật ngồi, bảo tháp xá lợi, vị thế tọa lạc của Thích Ca Phật Đài trên sườn Núi Lớn với địa hình thoai thoải, khuôn viên quanh năm rợp bóng cây xanh, trong đó có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như: Bồ đề, đa, sứ làm tôn thêm nét trang nghiêm, cổ kính cho nơi đây. Đặc biệt, Bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác cao 17m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Đức Phật do Hòa thượng Narada Maha Thera (người Sri Lanka) cúng dường. 

Vị thế tọa lạc của Thích Ca Phật Đài khá đẹp, nằm trên sườn núi Lớn hướng tầm nhìn ra biển. Sau khi chiêm bái và vãn cảnh chùa, khách hành hương có thể chọn một điểm cao bất kỳ quan sát vùng biển rộng lớn phía Bắc Vũng Tàu, từ Núi Nứa, Long Sơn đến cảng Sao Mai - Bến Đình. Năm 1989, Thích Ca Phật Đài được Bộ VH-TT công nhận là di tích danh thắng gắn liền với vẻ đẹp của khu vực Bến Đá và cảnh quan thiên nhiên phía Bắc Núi Lớn. Hàng năm, nơi đây thú hút hàng chục ngàn khách hành hương trong và ngoài nước đến chiêm bái.

TP.Vũng Tàu còn có 2 công trình kiến trúc gắn với đạo Thiên Chúa là tượng Chúa Kito Tao Phùng và nhà thờ Bãi Dâu cũng rất đáng để hành hương, chiêm ngắm trong những ngày đầu năm. Để lên được tượng Chúa Kito nằm ở độ cao gần 500m so với mực nước biển, du khách phải chinh phục 1.000 bậc thang. Một điều thuận lợi là bậc thang ở đây ngắn, vừa sải chân người, hai bên lối đi cây cối và nhiều loài hoa khoe sắc thắm trong tiết trời xuân, khách hành hương vừa đi vừa ngắm cảnh khiến đoạn đường như ngắn lại. Sau khi leo hết 1.000 bậc thang, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm bốn phía Vũng Tàu từ trên cao là đi tiếp vào lòng tượng Chúa leo 133 bậc thang xoắn ốc chạy từ bệ lên cổ tượng mở ra 2 cánh tay. Từ đây, toàn cảnh TP.Vũng Tàu hiện ra trước mặt mà không bị giới hạn tầm nhìn. 

Sẽ thật thiếu sót nếu không điểm qua những ngôi chùa lớn nằm dọc tuyến đường ven biển qua địa bàn các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Quốc lộ 51 như: Tổ đình Thiên Thai tọa lạc dưới chân núi Dinh Cố; Linh Quang Tịnh Xá Hòn Một, chùa Chơn Nguyên nằm trên núi Minh Đạm; chùa Đại Tòng Lâm, Phật Quang, Ngọc Sơn Dinh, Bồng Lai (nằm trên Núi Dinh, TX.Phú Mỹ)… Điểm đặc biệt của các ngôi chùa trên đều có thế tựa lưng vào núi rừng, thiên nhiên hoang sơ để du khách vừa hành hương, lễ bái cầu bình an phước lộc cho năm mới vừa leo núi hòa mình hít thở không khí trong lành giữa tiết xuân đất trời giao hòa./. 


 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Cùng chuyên mục