Non nước Việt Nam

Phú Yên: Có một không gian cồng chiêng rất riêng ở Cà Lúi

Cập nhật: 04/08/2021 16:01:16
Số lần đọc: 1160
Xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có những ngôi làng nhỏ, xinh xắn ẩn hiện trên những dãy núi trập trùng hư ảo. Có dịp về đây, chúng ta được hoà vào lễ hội văn hóa cồng chiêng của địa phương cứ hai năm tổ chức một lần. Vào những dịp trình diễn cồng chiêng, các diễn viên, nghệ nhân đã biểu diễn các tiết mục đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ, hát dân ca truyền thống tái hiện các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, xoay cột con trâu, lễ bỏ mả…  


Các đội chiêng dân tộc Ba Na trình diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi (Ảnh TL)

Đêm Cà Lúi, bên ánh lửa mờ tỏ, những chàng trai nổi nhạc từ dàn cồng chiêng A ráp vạm vỡ tràn trề sức sống, khuôn mặt đỏ bừng vì men rừng, vì lửa thiêng như càng thăng hoa, cuồng nhiệt hơn trong điệu cồng chiêng. Những cô sơn nữ tuổi mười tám, đôi mươi căng tràn sức sống, diện bộ váy truyền thống, tay trong tay uyển chuyển trong điệu xoan mượt mà theo nhịp cồng chiêng đều tắp, di chuyển xung quanh cây nêu. Cây nêu mang biểu tượng cho bình yên nơi buôn làng. Đội cồng chiêng nhịp nhàng di chuyển xung quanh cây nêu, đồng thanh hát những  bài dân ca truyền thống của dân tộc.

Theo Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời. Tiếng cồng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng; trong lễ mừng lúa mới thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã; chiêng bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn…

Đồng bào Ba Na biểu diễn cồng chiêng

Tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng, các lễ hội chỉ được mô phỏng lại nhưng lạ lùng thay, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh đống lửa, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng cứ ánh lên không khí cổ xưa, huyền ảo. So Y Síu sinh ra, lớn lên, được "tắm táp" trong bầu không khí cồng chiêng Cà Lúi không sao diễn tả hết được sức hút ma mị từ thứ âm thanh này: “Em lớn lên ở vùng rừng núi Cà Lúi. Từ khi sinh ra, tiếng cồng chiêng của ông cha đã gõ nhịp trong máu rồi. Cồng chiêng là cầu nối của người buôn làng với giàng và thần linh. Cồng chiêng kết nối trái tim với trái tim, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa những người trong làng. Lễ thôi nôi, mừng nhà mới, mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng rừng đầu nguồn… đều có cồng chiêng”.

Ông Kpă Vương, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, một người rất am hiểu văn hóa lễ nhạc của buôn làng lý giải: “Âm thanh cồng chiêng truyền đi thông điệp về một sự kiện quan trọng của cộng đồng, buôn làng, dòng họ nên không có lý do gì khi nghe tiếng cồng chiêng mà người ta không sắp xếp công việc để tham dự. Lễ hội văn hóa cồng chiêng không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng độc đáo mà còn là hình thức sinh hoạt cộng đồng xây dựng tình đoàn kết dân tộc. Sau khi có sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, lễ hội cồng chiêng ở xã Cà Lúi ngày càng được nâng cao và tổ chức bài bản”.

Là người con của Cà Lúi, trưởng thành đi học xa, mang theo hành trang là âm thanh mê đắm của cồng chiêng, Y Hải cho hay: “Từ lúc mới sinh ra tôi đã quen với tiếng cồng chiêng của bản làng. Thuở nhỏ hay theo ba đến dự hội cồng chiêng, được hòa mình vào những điệu nhảy của mọi người nơi tôi sống. Lớn lên, đi học ở thành phố, phải tập quen với cuộc sống ồn ào, vội vã, tất bật nhưng chưa bao giờ thôi nhớ tiếng cồng chiêng của buôn làng. Những lần về đúng dịp lễ hội cồng chiêng của buôn làng, trong không gian rộn rã ấy, nhìn những người thân yêu của bản làng hòa mình vào điệu nhảy, tôi cũng nhảy theo những bước chân của họ. Hình ảnh ngọn lửa thiêng, tiếng nổ của than lửa, tiếng cồng chiêng nhịp nhàng làm ấm lòng những người con xa quê như chúng tôi.

Các đội chiêng của Cà Lúi trong ngày hội

Từ khi “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, thì nhạc cụ cồng chiêng các dân tộc miền núi Phú Yên nói chung và của Cà Lúi nói riêng cũng là một bộ phận góp phần làm phong phú, đa sắc, đa thanh loại hình nghệ thuật này.

Để gìn giữ vốn quý văn hoá cồng chiêng cho muôn đời sau, Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng cho rằng, Nhà nước cần phục dựng một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số liên quan đến văn hóa cồng chiêng; giáo dục người dân, lớp trẻ biết sử dụng, biết múa, biết nhảy, biết đánh cồng chiêng; thành tập các đội cồng chiêng, đưa hoạt động này trở thành sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng.

Đồng quan điểm với ông Ka Sô Liễng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sơn Hoà - Nguyễn Thiện Tình đánh giá: “Xã Cà Lúi là địa phương hiếm hoi trên địa bàn huyện Sơn Hòa còn giữ gìn khá nguyên vẹn cồng chiêng lễ nhạc. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện tổ chức và duy trì thường xuyên liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp xã. Phong trào văn nghệ ở xã Cà Lúi đã tạo cảm hứng để các xã khác trong huyện bắt đầu tổ chức lễ hội cồng chiêng. Kết quả này có được cũng là nhờ vào những con người tài hoa giàu tâm huyết của buôn làng Cà Lúi. Sắp tới, huyện Sơn Hòa sẽ có những chương trình, đề án tạo điều kiện cho các xã biểu diễn, giao lưu cồng chiêng, từ đó thúc đẩy ý thức bảo tồn loại hình nghệ thuật quý giá này”.

Cao Vĩ Nhánh

Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT