Hoạt động của ngành

Quảng Bình đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Cập nhật: 22/06/2020 15:20:40
Số lần đọc: 868
(TITC) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa xây dựng Kế hoạch số 1061/KH-UBND về việc thực  hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Di sản).

Với mục đích đưa Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành khu du lịch  trọng điểm Quốc gia, điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn, nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, nhiệm vụ của các cấp, các sở, ban, ngành và toàn thể nhân dân địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức về giá trị, vị thế và tầm quan trọng của Di sản thông qua việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục trong việc giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị của Di sản; Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn Di sản để tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai các phương án, dự án, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng, cảnh quan, môi trường, các hệ sinh thái, các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hệ thống hang động và các di tích lịch sử, văn hóa; Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư riêng cho khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng; huy động, tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các giá trị Di sản, phấn đấu đến năm 2025 Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia và đến năm 2030 thành trung tâm du lịch quốc tế; Tập trung nghiên cứu các kế hoạch, giải pháp đột phá phát triển kinh tế, xã hội vùng đệm của Vườn Quốc Gia Phong Nha- Kẻ Bàng, tạo nhiều việc làm cải thiện sinh kế của người dân vùng đệm, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, của tỉnh nhằm phục vụ du khách; rà soát, đánh giá lại toàn bộ các sản phẩm du lịch đã và đang khai thác để có kế hoạch đầu tư, nâng cấp; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phát huy tối đa giá trị, tiềm năng của các sản phẩm du lịch. Căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa nhằm tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, có tính cạnh tranh cao trong nước và khu vực, trên quan điểm phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn bền vững các giá trị của Di sản.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các sản phẩm du lịch trong Vườn Quốc gia tại các thị trường du lịch trọng điểm, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, tạo được sự đột phá gây ấn tượng mạnh mẽ; thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, chuyên môn hóa cao nhất là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử…/

 Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục