Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Phát triển Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ

Cập nhật: 28/10/2020 09:10:34
Số lần đọc: 933
Định hướng phát triển của TP Móng Cái những năm gần đây là phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong đó, Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ đã và đang rất được quan tâm đầu tư, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu từ những tiềm năng, thế mạnh riêng biệt. Nội dung này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết (số 03-NQ/TU, ngày 28/8/2020) của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phát triển Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

TP Móng Cái tổ chức Ngày hội thả diều Trà Cổ 2020 tại Dự án khu đô thị và dịch vụ cao cấp Trà Cổ, phường Trà Cổ (tháng 5/2020). Ảnh: Hữu Việt

Nói đến Trà Cổ, người ta thường nhớ ngay đến địa danh địa đầu cực Đông Bắc của đất nước với hình tượng “nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ hình Tổ quốc”. Cùng với đó là văn hóa làng biển giàu truyền thống văn hóa lịch sử; là khung cảnh rừng dương, bãi cát trắng, biển xanh tươi đẹp trù phú và ẩm thực phong phú... Do đó, Trà Cổ những năm qua vẫn luôn là địa danh nổi tiếng của Móng Cái nói riêng, Quảng Ninh nói chung, thu hút du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến tham quan, trải nghiệm.

Ngày 24/4/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định công nhận Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ - Khu du lịch Quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và là một trong 4 khu du lịch Quốc gia trong toàn quốc. Đến ngày 16/1/2020, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch Đông Nam Á - FTA 2020 được tổ chức tại Brunei, Cụm thông tin Cổ động biên giới Sa Vĩ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái) được nhận giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững thành thị và nông thôn ASean 2020.

Bãi biển Trà Cổ là một điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Hữu Việt

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, TP Móng Cái tập trung chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện. Riêng với Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ (gồm khu trung tâm là 11 xã, phường và vùng lân cận là 6 xã, phường), tháng 6/2020, UBND TP Móng Cái tổ chức hội thảo giải pháp và cơ chế chính sách phát triển du lịch với sự có mặt của các chuyên gia từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội... Qua đó, thành phố có thêm những ý kiến phân tích, góp ý trên nhiều phương diện như quy hoạch, quản lý quy hoạch một cách bài bản, chuẩn hóa; sự liên kết phát triển du lịch giữa các khu du lịch Quốc gia, các trung tâm du lịch, liên kết vùng, liên kết quốc tế. Cùng với đó là các giải pháp phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch...

Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt

Ngày 28/8 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025, địa danh này sẽ trở thành một trong những khu du lịch biên giới trọng điểm của tỉnh và cả nước, kết nối chặt chẽ các tour du lịch liên hoàn giữa Móng Cái - Hạ Long - Vân Đồn - Uông Bí - Hải Phòng - Hà Nội - các tỉnh miền Trung Nam Bộ và kết nối với tuyến du lịch “2 quốc gia - 5 thành phố” với Trung Quốc. Đến năm 2030, đây sẽ trở thành khu du lịch chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Để đáp ứng mục tiêu này, thành phố xác định phải có định hướng phát triển bền vững ngay từ ban đầu. Đó là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo việc làm và cải thiện an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự. Tức là vừa phải có những cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp; vừa phải liên tục đổi mới nhận thức, tư duy phát triển  cho mỗi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Hiện nay, thành phố đang ưu tiên dành nguồn kinh phí cho công tác quảng bá hình ảnh Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ trên nhiều kênh thông tin đại chúng; tăng cường các hoạt động xúc tiến, đăng cai tổ chức các hoạt động sự kiện, văn hóa, thể thao mở rộng. Đồng thời tập trung cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Bao gồm: Bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ thành phố đến xã, phường; liên kết với các trường đại học, cao đẳng có các chuyên ngành đào tạo du lịch nhằm thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành để bổ sung cho các cơ quan, đơn vị liên quan...

Thế Anh (CTV)

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục