Hành trang lữ khách

Sắc màu Sử Pán, Lào Cai

Cập nhật: 27/04/2020 08:31:15
Số lần đọc: 711
Con đường nhựa đang được nâng cấp, vắt ngang triền núi đá, uốn lượn như dải lụa mềm men theo thung lũng Mường Hoa mùa nước đổ. Ở cuối con đường, bên chân núi Hoàng Liên hùng vĩ, Sử Pán hiện ra như cô gái vùng cao vừa thức dậy, rộn ràng khăn áo vào hội mới…

Homestay trên “hòn đá trượt nghiêng”

Sử Pán cách thị xã Sa Pa chừng 15 km, xuôi về phía nam. Trên đường đến Sử Pán, tôi nhớ Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Lê Tân Phong nói rằng đây là “thủ phủ” của du lịch homestay, nghĩa là du lịch tại nhà, trong cộng đồng người dân tộc bản địa. Sa Pa có rất nhiều địa danh du lịch homestay trong “bộ nhớ” của du khách bốn phương, như Cát Cát, Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Thanh Kim…, nhưng khoảng hai năm nay, họ tìm đến Sử Pán, một địa danh mới, có sức hấp dẫn lạ lùng ở thủ phủ du lịch Sa Pa. Ðiều gì đã cuốn hút được những du khách ngày càng khó tính?

Sử Pán theo tiếng Quan Hỏa “hủa sư phan”, nghĩa là “hòn đá trượt nghiêng”. Chuyện kể rằng, ngày ấy có ông thầy địa lý cưỡi ngựa đi qua vùng đất này, liên tục bị trượt ngã, hóa ra ông đang cưỡi ngựa đi trên phiến đá khổng lồ nằm nghiêng, lại có mạch nước nguồn chảy qua nên trơn trượt, vì thế mà bị ngã, từ đó có tên là “Hòa Sử Pán”, rồi rút gọn thành Sử Pán là tên xã, vừa mới sáp nhập với xã Hầu Thào mang tên chung là Mường Hoa. Ở đây vẫn còn thôn Hòa Sử Pán, là “tâm điểm” của du lịch homestay, làm nên sắc diện mới của Mường Hoa hôm nay. Trong làn sương mây mờ ảo, Sử Pán hiện ra trước mặt. Nắng sớm xuyên những tia màu vàng mật ong qua lớp sương trắng đang từ dưới thung sâu bốc lên, trùm lên những ngôi nhà sàn gỗ, tràn lên mặt đường bê-tông liên gia, với những hàng trúc xinh xanh lơ đứng thẳng, hoa hồng cổ từng chùm phớt đỏ, hoa bất tử vàng rực. Ðiều lạ lùng, homestay ở đây không hề có bóng dáng của xi-măng cốt thép, mái tôn, mái bằng như ở nơi khác. Trên sườn đồi thấp là những nếp nhà sàn, nhà gỗ, lợp mái tranh, lá cọ hoặc lợp bằng gỗ xẻ, dựa vào thế đất tự nhiên để “mọc” lên những homestay kiểu bungalow theo đường bình độ hình vòng cung, hướng tầm nhìn xuống thung lũng Mường Hoa và đỉnh núi Hoàng Liên bốn mùa mây trắng.

Tôi rất thích những nếp nhà làm bằng gỗ và đá trắng tự nhiên, lợp mái cọ, khung cửa gỗ thông, với những hàng rào thưa bằng tre trúc đan chéo cánh sẻ ở homestay của chị Sùng Thị Mú. Tám cái nhà nhỏ, bằng chất liệu tự nhiên, xếp theo đường bình độ trên núi, liên thông với nhau bằng con đường rải sỏi cuội trắng, chung quanh là những mảnh vườn nhỏ, ruộng bậc thang, sân se lanh, nơi nhuộm chàm, dệt thổ cẩm, nghề rèn truyền thống của người H’Mông bản địa. Ở phía trên cao nhất là rừng cây dẻ nguyên sinh từ bao đời xanh ngăn ngắt, với những chùm quả màu nâu và hương thơm dìu dịu, hấp dẫn những chú sóc nâu tụ hội. Ngang lưng núi là thác Ngựa Bay, nước đổ từ trên cao thành màn nước trắng như tơ mành li ti, sáng cả vùng rừng trúc ken dày xanh lơ. Có gì đó rất hoang sơ, tĩnh lặng và yên bình ở nơi đây, tách ra khỏi thế giới ồn ào, nhộn nhịp ở phố thị không xa.

Ðến Sử Pán, nơi con người thật sự sống chậm, du khách có dịp chiêm nghiệm và khám phá đời sống lao động, kho tàng văn hóa, đời sống sinh hoạt và ẩm thực của người H’Mông đen nơi đây. Sử Pán có bốn thôn chủ yếu là người H’Mông đen sinh sống, với gần 600 hộ. Chừng ba năm trước đây, là nơi thuộc diện nghèo nhất thị xã Sa Pa, vì đất đai ít, lại toàn đá khô cằn, khí hậu lạnh rét, bà con chỉ làm một vụ lúa ruộng bậc thang hoặc trồng ngô làm lương thực chính. Cuộc sống cư dân bản địa thật khó khăn, trong khi, vùng đất này có những ưu thế khác biệt, đó là khí hậu ôn đới, khung cảnh nguyên sơ, cộng đồng người dân tộc thuần nhất, bản sắc văn hóa đậm đặc, người dân hiền hậu và hiếu khách. “Cái nghèo làm nảy cái khôn, bắt đầu từ những cán bộ, đảng viên trong xã, rồi đến những dòng họ Tẩn, họ Sùng, họ Vàng vận động con cháu, chung tay giúp nhau làm homestay đón khách theo đề án “Phát triển du lịch cộng đồng” của thị xã, của tỉnh, tạo nên một địa chỉ xanh, một làng du lịch cộng đồng sắc nét, làm cho “hòn đá trượt nghiêng” Sử Pán bừng thức dậy, mời gọi du khách bốn phương” – Chủ tịch UBND xã Mường Hoa Tẩn A Lềnh sôi nổi cho biết. Trách nhiệm của người đứng đầu cộng với quyết tâm thay đổi, không cam chịu đói nghèo, tấm lòng yêu quý văn hóa truyền thống của cha ông để lại là “sức bật” để Sử Pán bước ra thế giới, đón bè bạn bốn phương.

Hướng đến điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN

Tôi đã từng có dịp đến nhiều khu du lịch cộng đồng trên cả nước, nhưng điều tạo nên khác biệt trong làm du lịch homestay ở Sử Pán là tầm nhìn lâu dài, gắn chặt với bảo tồn cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, coi đó là “xương sống”, là “linh hồn” của du lịch cộng đồng ở đây, tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân. Trong câu chuyện với Trưởng phòng Văn hóa Sa Pa Hoàng Thị Vượng, chúng tôi cảm nhận rất rõ nguyên tắc ấy, được thể hiện ra những gì đã và đang có ở Sử Pán hôm nay. Chị Vượng là người dân tộc Nùng, sinh ra ở vùng đất thép Mường Khương biên giới, được đào tạo về du lịch tại Mỹ. Nhận nhiệm vụ ở thị xã Sa Pa, từ năm 2018, chị nêu ý tưởng, phương án xây dựng Sử Pán thành điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN bởi hơn 100 tiêu chí của họ đề ra tương đồng và phù hợp với địa phương. Cốt lõi của nguyên tắc ấy là: Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giữ tốt và phát huy bản sắc văn hóa bản địa, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. “Cũng phải qua chắt lọc từ những mô hình, những làng du lịch cộng đồng đã làm ở trong tỉnh và ngoài tỉnh, tham khảo thêm chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về du lịch cộng đồng, lấy cái hay, bỏ cái dở để làm ở Sử Pán”- chị Vượng tâm sự. Cái thuận lợi nhất của Sử Pán là người dân thuần nhất, đồng thuận “một lòng, một dạ” với nguyên tắc và phương án đưa ra, từ kiến trúc nhà ở đến vật liệu sử dụng, từ cái cổng vào đến mảnh vườn, các loại cây xanh, vật nuôi, loài hoa… sao cho thấm đẫm bản sắc dân tộc bản địa.

Chủ tịch UBND xã Tẩn A Lềnh nhớ lại, chỉ sau một tháng “ra quân”, hơn 300 hộ đã cải tạo nhà ở, thay toàn bộ cổng nhà, làm đường bê-tông liên gia, làm sân vườn, trồng cây và hoa bản địa trang trí dọc các tuyến đường “sáng – xanh – sạch đẹp” để đón khách. Dạo bước trên những con đường đó, tôi rất thích những cái cổng nhà xinh xắn làm bằng gỗ, tre trúc tự nhiên, treo tấm biển dung dị với nét chữ viết tay: Tẩn A Thung, Sùng Sinh, Vàng Lủ…, kèm số điện thoại của chủ nhà. Muôn kiểu cổng nhà, cái bằng gỗ cây uốn hình vòng cung, cái bằng trúc ghép khuôn vuông, cái hình ô van xếp bằng gỗ cắt khúc…, tất cả làm nên một nét riêng rất dung dị, bình yên và thân thiết, có cảm giác như hòa vào thiên nhiên, gần gũi như trở về nhà mình. Ðến nay, Sử Pán vẫn còn giữ nguyên 15 ngôi nhà cổ người H’Mông đen dòng họ Tẩn, với khoảng hơn 20 homestay mới và một vài resort đón khách bốn mùa, với hàng chục nghìn du khách các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Hà Lan, Bỉ, Hàn Quốc, đem lại nguồn thu nhập ổn định, ngày càng tăng cho người dân bản địa. Trung bình, hơn 40 hộ dân làm homestay, thu về từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng; những hộ khá như Giàng A Lềnh, Tẩn A Chứ, Sùng Thị Mú thu về từ 120 đến 150 triệu đồng/tháng. Ðó là những con số mà trước đây người H’Mông ở Sử Pán không dám mơ đến, nhưng mới chỉ hai năm phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, ước mơ đó đã thành hiện thực. Năm 2019, Sử Pán có hơn 100 hộ dân thoát nghèo, được UBND tỉnh tặng bằng khen về xóa nghèo nhanh, bền vững. Ðiều mừng hơn, con em Sử Pán hôm nay đã tiếp cận nhanh với công nghệ, hơn 20 nam nữ thanh niên trẻ tự học tiếng Anh qua giao tiếp với du khách đến bản, đã thành thạo đặt tua qua Agoda.com, Booking.com, trở thành những “hướng dẫn viên” giúp du khách nước ngoài khám phá, trải nghiệm sâu hơn về đất và người Sử Pán hôm nay.

“Sử Pán như nàng tiên đã thức dậy, đi những bước đầu tiên đầy hứng khởi, nhưng còn rất nhiều việc phải làm, để đạt đến cái đích mong muốn là điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN” – Trưởng phòng Văn hóa Sa Pa chậm rãi nói, trong ánh nắng chiều dát lên khuôn mặt sáng ngời của chị. Tôi tin là người dân Sử Pán sẽ thành công bởi họ đang mời gọi bè bạn bốn phương, với lòng hiếu khách và bản sắc văn hóa độc đáo, nguyên bản của mình./.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân
Từ khóa: Sử Pán, Lào Cai

Cùng chuyên mục