Nhìn ra thế giới

Tashkent - ''thành phố lam ngọc'' của Uzbekistan

Cập nhật: 01/11/2021 05:48:04
Số lần đọc: 661
Trên con đường tơ lụa cổ đại phân nhánh Trung Á, Tashkent - thủ đô của đất nước Uzbekistan từng là một trong những trung tâm buôn bán sầm uất, là mắt xích quan trọng giữa phương Đông và phương Tây. Với vị trí đặc biệt đó, Tashkent là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa. Ngày nay, khi tới Tashkent, bạn có thể thấy sự giao thoa rõ nét và đầy bản sắc này.  


Chợ mái vòm Chorsu Bazaar.

Lịch sử phát triển

Dựa trên các di chỉ được khai quật, Tashkent đã xuất hiện dưới dạng những cụm làng nhỏ từ trước Công nguyên. Lúc đó, người Trung Hoa cổ đại gọi Tashkent là Shi, người Ba Tư gọi là Chach và người Ả Rập gọi là Shash. Mặt hàng được trao đổi buôn bán nhiều nhất ở Tashkent là đá quý, vì vậy thành phố này còn được mệnh danh là “thành phố đá” hoặc “thành phố lam ngọc”. Cái tên Tashkent xuất hiện lần đầu tiên trong các tài liệu của người Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ IX - XII.

Từ thế kỷ II - VII, Tashkent nằm dưới sự cai trị của đế chế Ba Tư, Túc Đặc (Sogdiana). Vào thời điểm người Ả Rập chiếm đóng Trung Á vào thế kỷ VIII, Tashkent là thành phố giao thương sầm uất. Thời đại hoàng kim của Tashkent là khi Đại đế Timur thống trị cả khu vực Trung Á và Ấn Độ. Giữa thế kỷ XIII, Thành Cát Tư Hãn đã xâm lược và phá hủy gần như toàn bộ thành phố. Nó chỉ dần được phục hồi và thịnh vượng trở lại dưới thời đế chế Shaybanids (cai trị từ giữa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI).

Vào năm 1865, Tashkent nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Năm 1966, khi Uzbekistan còn là một nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô viết, một trận động đất đã san bằng thành phố khiến 300.000 người mất nhà cửa. Sau đó, chính phủ Uzbekistan cùng người dân đã nỗ lực xây dựng lại thành phố vào cuối những năm 1960 và 1970 của thế kỷ XX.

Ngày nay, Tashkent là trung tâm kinh tế và văn hóa của Trung Á. Thành phố này nằm ở khu vực phát triển công nghiệp nhất của Uzbekistan. Ngoài ra, nơi đây còn có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như các bảo tàng, Thư viện công cộng Navoi, Nhà hát Opera và Ballet Alisher Navoi...

Mỗi ga tàu điện ngầm ở Tashkent là một công trình nghệ thuật.

Những công trình nổi tiếng

Trung tâm tôn giáo Khast Imam là khu phức hợp tôn giáo của Tashkent, gồm Thánh đường Khazrati Imam, Học viện Hồi giáo Barak Khan và Thánh đường Tellya Sheikh. Ngay trước Thánh đường Khazrati Imam là Thư viện Muyi Mubarak - nơi cất giữ bản thảo cổ đại với hơn 300 tờ giấy da vốn là văn bản gốc của kinh Koran. Cả khu phức hợp đều được xây dựng theo lối kiến trúc Hồi giáo quen thuộc với mái vòm xanh lam, các cột tháp minaret, cổng vào được trang trí bằng những câu kinh Koran cách điệu và hoa văn hình học đối xứng. Bên trong các học viện Hồi giáo là những quầy hàng lưu niệm bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thảm, tranh vẽ, đá quý.

Tới Tashkent, du khách không thể không tới chợ mái vòm Chorsu Bazaar - khu chợ lớn và lâu đời nhất vùng Trung Á, nơi vẫn giữ kiểu buôn bán truyền thống hàng trăm năm nay. Mái vòm của chợ được cách điệu từ mái tròn của lều yurt đặc trưng du mục, trang trí hoa văn màu xanh, trụ cột màu trắng khiến nó nổi bật cả một góc đường. Bên trong chợ được chia làm 2 tầng, tầng 1 bán các loại thực phẩm tươi sống, trái cây tươi, rau củ, thịt ngựa, thịt cừu, dưa muối, phô mai..., tầng 2 bán quần áo, đồ trang sức, sản phẩm làm đẹp, các loại quả, hạt khô, bánh kẹo. Các loại hạt và quả khô ở Tashkent rất ngon, nổi tiếng như táo tàu, óc chó, hạt điều, macadamia, mơ khô. Bạn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.

Điều khiến không ít du khách ngạc nhiên khi tới Tashkent là mỗi ga tàu điện ngầm ở đây giống như một công trình nghệ thuật, được trang trí với nhiều phong cách khác nhau, hoành tráng và lộng lẫy. Hệ thống tàu điện ở Tashkent bắt đầu hoạt động từ năm 1977, đến nay vẫn là một trong những hệ thống ga tàu điện đẹp nhất thế giới.

Tham quan các ga tàu điện ngầm ở Tashkent giống như đi dạo một vòng lịch sử của thành phố. Mỗi nhà ga đều thể hiện một phần lịch sử của Uzbekistan, là những câu chuyện được kể thông qua các bức chân dung điêu khắc, phù điêu, mái vòm và các đường nét kiến trúc. Chúng mô tả lại ảnh hưởng của con đường tơ lụa cổ đại ở mảnh đất Tashkent, của đế chế Ả Rập và Liên bang Xô viết cũng như các nhân vật lịch sử quan trọng. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng chân dung các phi hành gia như Valentina Vladimirovna Tereshkova - người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ tại ga Kosmonavtlar; kiến trúc mái vòm giống nhà thờ Hồi giáo bên trong ga Alisher Navoi; chùm đèn pha lê cầu kỳ sáng choang ở ga Mustaqilik Maydoni, các bức phù điêu tinh xảo ở ga Tashkent.

Giá vé đi tàu điện ngầm ở Tashkent là 1.400 som (đơn vị tiền tệ của Uzbekistan), tương đương với 5.000 đồng tiền Việt Nam. Bạn có thể ở dưới lòng đất, đi tham quan hết các ga tàu điện ngầm với giá chỉ 5.000 đồng. Có lẽ không ở đâu ngoài Tashkent có giá vé tham quan các công trình nghệ thuật rẻ tới mức ngạc nhiên như vậy.

Bài Và Ảnh: Dương Quán Hạ

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT