Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Khai thác hợp lý tuyến phố du lịch dịch vụ quanh Đại Nội

Cập nhật: 29/03/2021 08:37:33
Số lần đọc: 770
Các tuyến phố quanh Đại Nội đang trong quá trình hoàn thiện chỉnh trang, để phù hợp hình thành không gian đi bộ và khai thác dịch vụ. Mục tiêu tạo ra sản phẩm mới thu hút khách du lịch đã được khẳng định, quan trọng là khai thác như thế cho hiệu quả đang được đặt ra.

Đường Lê Huân có nhiều dịch vụ, việc thay đổi sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến người dân, hộ kinh doanh, nên cần có sự tuyên truyền và chuyển đổi hợp lý

Thể hiện được nét Huế

Câu chuyện khai thác du lịch dịch vụ - du lịch các tuyến đường 23 Tháng 8, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân, Đặng Thái Thân đã được đề cập 10 năm qua mà mãi đến bây giờ mục tiêu đó mới được cụ thể hóa, khi các tuyến đường được chỉnh trang, vỉa hè được mở rộng, hạ độ cao, lát gạch mới, trồng thêm cây xanh… Đáng ra, bốn tuyến đường này phải phát huy thế mạnh trước các tuyến phố đi bộ đang có ở bờ nam sông Hương hiện nay.

Lãnh đạo tỉnh nhiều lần nhấn mạnh, khi chỉnh trang xong không chỉ làm cho thành phố đẹp hơn, mà còn là sự bắt đầu cho một giai đoạn khai thác dịch vụ để thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Về lâu dài hoàn thiện dịch vụ, mô hình hoạt động để tạo ra sản phẩm mới, tạo thương hiệu có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút khách trong nước và quốc tế.

UBND TP. Huế đang trong quá trình xây dựng đề án, kế hoạch, mô hình hoạt động, khai thác. Trước mắt, sẽ thí điểm hình thành phố đi bộ ban đêm, cùng khai thác dịch vụ tại trục đường Lê Huân (phường Thuận Hòa), sau đó sẽ nhân rộng ra 4 tuyến phố. TP. Huế đặt quyết tâm sẽ khai thác dịch vụ tại đường Lê Huân trước Festival Nghề truyền thống 2021.

Theo các chuyên gia, mô hình hoạt động tại đường Lê Huân phải gắn với kiến trúc, không gian bên Đại Nội

Ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế cho biết, hiện tại thành phố đang khảo sát, lấy ý kiến các cơ quan liên quan về mô hình hoạt động. Quan điểm là hình thành phố đi bộ kết hợp khai thác vào ban đêm và thí điểm hoạt động vào các ngày cuối tuần. Sẽ có những phân khu chức năng khác nhau. Theo đó, các loại hình kinh doanh tại tuyến phố sẽ được lựa chọn, sắp xếp sao cho phù hợp, vừa thể hiện được nét đặc trưng của Huế, vừa hài hòa, lợi ích của các hộ dân sống, kinh doanh tại tuyến phố.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch phân tích, không giống như các tuyến đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu và tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, tại phố đi bộ Lê Huân và sau này là 4 tuyến phố quanh Đại Nội phải có sự khác biệt riêng. Tại đây, với không gian và kiến trúc như thế, phù hợp nhất phải là không gian văn hóa – di sản; những loại hình văn hóa phi vật nổi tiếng của Huế cần được thể hiện, trưng bày và quảng diễn tại đây. Điểm xuyến vào đó là một số món ăn như bánh, chè trên các gánh hàng thể hiện nét truyền thống.

Tìm mô hình phù hợp

Theo các chuyên gia, việc mở tuyến đi bộ kết hợp khai thác dịch vụ là cần thiết, song quan trọng là cách làm, mô hình như thế nào để không “bội thực” phố đi bộ, bởi Huế được biết đến là điểm đến có khá nhiều phố, đường đi bộ.

Ai cũng biết, đường Lê Huân còn được mệnh danh là “phố cà phê” của Huế. Bên cạnh đó, tại đây cũng đã hình thành được các cửa hàng quà lưu niệm, đặc sản, áo dài, cả ẩm thực truyền thống của Huế… là lợi thế để phố đi bộ hoạt động với các dịch vụ đã có sẵn. Dù thế, dư luận đặt ra một câu hỏi là, với những dịch vụ sẵn có đó, khi khai thác liệu sẽ hình thành một tuyến phố thể hiện sự khác biệt, nét Huế, hay sẽ trở thành đi bộ sôi động, phố “ăn nhậu” như tại phố Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho rằng, làm gì đi chăng nữa, để phố đi bộ đó hiệu quả lâu dài thì cần gắn kết được người dân. Người dân là chủ thể, khai thác, phục vụ du lịch. Chính người dân là sản phẩm, là thành tố để thu hút khách du lịch bằng nhịp sống và tính cách.

Theo các chuyên gia, dù là mô hình hoạt động gì đi chăng nữa, yếu tố cần được xác định đầu tiên dịch vụ phù hợp với kiến trúc, không gian khi đường Lê Huân nằm bên cạnh Đại Nội. Do đó, nhiều ý kiến góp ý, trước hết, các dịch vụ phải gắn với văn hóa cung đình. Nên chọn những gì mang tính dân dã, mang dấu ấn truyền thống để khai thác. Tại đây, không cần đòi hỏi phải cầu kỳ, nguyên bản như trong Đại Nội mà sẽ có sự thay đổi một số chi tiết phù hợp hơn với thực tiễn khai thác.

Cũng theo ông Đinh Mạnh Thắng, quan trọng không kém cạnh là đối tượng khách phố đi bộ muốn hướng là những ai. Nếu xác định là đối tượng khách du lịch, yêu chuộng văn hóa thì tuyệt đối không thể có dịch vụ “bia bọt”. Các dịch vụ bổ trợ cũng nên có, song nằm ở phía sau, không nên sát mặt đường, ở các tuyến đường giao cắt tuyến phố chính Lê Huân như hình thức để bổ sung thêm. Về lâu dài, Đại Nội về đêm cần được khai thác trở lại và kết nối với các tuyến phố xung quanh. Các điểm dừng chân, nhà vệ sinh hay dịch vụ vận chuyển trong phố đi bộ cần được tính đến, du khách không thể đi bộ hàng km và trải nghiệm, tham quan tất cả các tuyến điểm.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel – Chi nhánh Huế góp ý, trong quá trình triển khai, cần giảm tối đa sự can thiệp “nửa vời” của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh sự đầu cơ. Các điểm di sản trong các tuyến phố cần mở ra để di sản tương tác với du khách, công chúng, sống lại các hoạt động xưa.

“Nhiều loại hình kinh doanh khả năng sẽ chuyển dịch để phù hợp với quy hoạch, phân khu chức năng tại phố đi bộ Lê Huân. Ở góc độ địa phương, dù có những thay đổi, chúng tôi mong muốn phố đi bộ khi mở ra là hướng đến tiêu phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân”, ông Hoàng Giang Thanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Hòa mong muốn.

Bài, ảnh: QUANG SANG

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục