Hành trang lữ khách

Vài nét về trống đồng Quảng Chính ở Quảng Ninh

Cập nhật: 23/03/2020 13:53:55
Số lần đọc: 811
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, trống đồng là sản phẩm kết tinh của nền văn minh Đông Sơn – Hùng Vương rực rỡ, được coi là “linh vật” lịch sử Việt Nam. Quảng Ninh tự hào là một trong các tỉnh phát hiện trống đồng, đó là trống đồng Quảng Chính.


Cận cảnh trống đồng Quảng Chính.

Năm 1981, ông Đinh Khắc Lân, xã viên HTX Quảng Lễ, xã Quảng Chính, huyện Quảng Hà (nay là Hải Hà) trong khi đào đất ở mỏm đồi sau nhà để sang cát cho mẹ, đào sâu xuống hơn 1m đã phát hiện một chiếc trống đồng đặt úp nên đã đưa về lưu giữ trong nhà. Phải đến đầu năm 1983, tình cờ, các cán bộ xã, huyện nắm được thông tin nên đã đến vận động gia đình ông Lân giao trống đồng cho chính quyền. Huyện đã tổ chức trưng bày tại một số hội nghị để cán bộ, nhân dân chiêm ngưỡng trước khi chuyển về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh trưng bày. Kể từ đó đến nay, đây vẫn là chiếc trống đồng duy nhất được tìm thấy tại Quảng Ninh. 

Trống đồng Quảng Chính (được đặt tên địa danh đã phát hiện ra trống) được Viện Khảo cổ học Việt Nam xếp thuộc trống Heger I - hay còn gọi trống đồng Đông Sơn có niên đại 2500 - 2000 năm cách ngày nay - là loại trống đẹp nhất trong 4 loại trống đồng.

Trống đồng Quảng Chính có hình dáng cân đối, thân trống chia ba phần rõ rệt: Tang phình, lưng thon, chân cao hơi loe. Chiều cao của trống từ chân lên tới mặt là 30,5cm, đường kính mặt 40cm, đường kính chân đế 47cm. Giống như các trống đồng đã phát hiện ở Việt Nam, trống đồng Quảng Chính chỉ có một mặt. Mặt trống khá dày (33mm). Giữa mặt trống có hoa văn là một ngôi sao nổi 16 cánh. Kế tiếp ngôi sao – tính từ trong ra là một vành hoa văn có hình 4 con chim Lạc đang sải cánh bay vòng quanh ngôi sao. Vành thứ ba là các băng hoa văn “chấm dải”, “răng cưa” xen kẽ nhau. Vành thứ tư không có hoa văn, đã bị vỡ một mảnh nhỏ.

Tang trống cơ bản có ba vành hoa văn. Các dải hoa văn “răng cưa”, “chấm dải” nối tiếp được trang trí bên trên và dưới của tang. Đặc biệt, chính giữa tang trống trang trí 4 chiếc thuyền, trên mỗi thuyền lại có 4 người (con số 4 bí ẩn trùng với 4 con chim trên mặt trống), trong đó 3 người cởi trần ngồi chèo, 1 người mặc áo, nếp áo tới ngang lưng đứng cầm chèo để lái. Tóc của 4 người đều buộc túm ngang vai. Hình ảnh thuyền và người như cho thấy đây là ngày hội đua thuyền đông vui và sôi nổi.

Tiếp giáp giữa tang và thân trống có 4 đôi quai hoa văn “bện thừng” đối xứng nhau. Thân trống chia làm hai phần, trong đó ¾ chiều cao thân được chia làm 10 ô hình chữ nhật. Trên mỗi ô có một con chim bồ nông đứng. Riêng hai ô đối xứng có 1 con chim một to, một nhỏ đứng quay mặt vào nhau. Ngăn cách giữa các hình chim, bên trên, bên dưới là các dải hoa văn “lá dừa”, hình tròn chấm nổi hay đường tròn đồng tâm tiếp tuyến. Phần chân đế trống không có hoa văn.

Về kỹ thuật đúc, theo các nhà khảo cổ học, trống đồng Quảng Chính được đúc bằng khuôn hai mang bởi hợp kim đồng, chì, thiếc và acxenic. Khi đúc trống, để giữ cho trống khỏi xê dịch, những nghệ nhân đúc trống phải sử dụng các con kê. Dấu vết của các con kê này vẫn còn lại trên mặt tang và thân trống. Vị trí các con kê đều được tính toán để nó không chạm vào các chi tiết hoa văn.

Việc tìm thấy trống đồng tại Quảng Chính (Hải Hà) có rất nhiều ý nghĩa, bởi nó là minh chứng để khẳng định người Việt cổ thời đại Hùng Vương đã sinh cơ, phát triển ở vùng đất Hải Hà. Đã có nhiều học giả nước ngoài và Việt Nam dày công nghiên cứu về trống đồng Việt Nam và nhận định: Trống đồng, ấy chính là sản phẩm vật chất và tinh hoa của tổ tiên ta để lại. Trống đồng không chỉ là một công trình nghệ thuật thể hiện bàn tay của cha ông ta mà còn là nơi gửi gắm các quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng, nhân sinh quan về vũ trụ và những sinh hoạt trong cuộc sống của nền văn minh lúa nước.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục