Non nước Việt Nam

Văn hóa tế lễ ở miền biển xứ Quảng

Cập nhật: 16/06/2022 09:13:14
Số lần đọc: 758
Vùng cửa sông ven biển, nơi hợp lưu sông nước và cũng là nơi hội tụ về kinh tế, văn hóa, giao lưu, tiếp biến các nền văn minh qua nhiều thế kỷ. Vùng ven biển lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa độc đáo.


Ông tổng trình diễn.

Từ cội nguồn các lưu dân

Cư dân miền biển Quảng Nam phần lớn có nguồn gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và một số nhỏ từ Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên di cư vào đây từ thế kỷ 15, dưới các thời Hồ Quý Ly (1336 - 1407) và đặc biệt là Lê Thánh Tông (1442 - 1497).

Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1588), ông đã cho khai phá vùng biển để lập làng. Theo Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”, vào đầu thế kỷ 17, phủ Thuận Hóa lãnh 2 châu, 12 huyện mà chỉ có 1.047 hộ với 3.663 nhân khẩu. Để tăng thêm nhân lực khai thác vùng đất mới và nhất là để mở rộng thế lực kinh tế, các chúa Nguyễn còn đôn đốc những gia đình vốn từ Thanh Hóa vào, lôi kéo thêm bà con, họ hàng vào theo để khai khẩn làng xã.

Những cư dân mới đến có xu hướng đi lần ra những vùng cát ven biển. Họ bắt đầu khai phá, định cư trên những bãi cát trắng và trở thành những cư dân vùng miền biển như làng Lương Sơn, Duy Nghĩa (Duy Xuyên); làng An Bàng, Cẩm An (Hội An)… Phổ hệ một số tộc họ ở phường Điện Ngọc (Điện Bàn) như tộc Đặng ở Viêm Đông, Viêm Trung ghi gốc là người vùng Hải Dương, tộc Nguyễn Hữu ở Ngân Hà là người Thanh Hóa, tộc Võ ở Tứ Câu là người Sơn Tây…

Các con trạo trình diễn.

Một bộ phận khác sau này là theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ dinh Quảng Nam. Các thôn của xã Bình Hải, Thăng Bình có nguồn gốc thôn Phước An là tiền hiền thôn Diên Phước; xã Tam Giang, Núi Thành có tiền hiền là tộc Đặng đến định cư tại Tam Giang vào khoảng đầu thế kỷ 16 thời hậu Lê, lập nên xã Diêm Trường.

Đến thực hành nghi lễ tín ngưỡng

Trong buổi đầu sơ khai mở đất, cư dân từ miền Bắc vào đã bắt đầu cuộc sống bên những dòng sông, cửa biển, từ đó, công cuộc mở mang bắt đầu. Những vùng đất trồng trọt dần dần hình thành, làng xã ra đời, cộng đồng cư dân sống quần tụ bên nhau để sinh tồn.

Những di dân buổi đầu ấy không có đủ công cụ để sản xuất và cũng không đủ sức để kháng cự với khắc nghiệt của thiên nhiên. Chính vì thế, khi đồng bằng trở nên chật hẹp, những con người nghèo khó, thất thế nhất trong số đó đã tiến ra biển. Họ đã phơi trần dưới nắng lửa trên vùng cát cháy, vật lộn với sóng nước, lao động và sáng tạo để tồn tại và phát triển.

Dù cực khổ trăm bề nhưng người dân miền biển vẫn có niềm tự hào của họ. Đó là truyền thống xây dựng lập làng xã, sự cố kết gắn bó keo sơn trong cộng đồng, tính cách sôi nổi, trọng nghĩa, chân chất và mộc mạc của vùng quê biển.

Và đặc biệt là người miền biển luôn luôn tự hào nơi đây đã sinh ra nhiều giá trị văn hóa ở các nghi lễ tín ngưỡng gắn liền với phương thức ngư nghiệp mang những nét đặc trưng của cư dân vùng biển, tạo nên sự khác biệt với các địa phương khác trong vùng.

Cư dân miền biển Quảng Nam có đời sống chủ yếu dựa vào biển, từ cuộc sống lao động với những hoạt động như đan lưới, đi biển, đánh bắt cá. Từ thực tế cuộc sống hằng ngày khi đi vào đời sống tâm linh, văn hóa, phong tục, tập quán, ca dao, dân ca, nghệ thuật dân gian... mang đậm yếu tố biển. Chính vì vậy, từ lễ hội cầu ngư, cúng Ông cho đến ca dao, tục ngữ, chèo bả trạo... đều mang âm hưởng đó.

Ngoài những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa phi vật thể xuất phát từ điều kiện sống, cư dân ở đây vẫn tiếp thu, kế thừa những phong tục, tập quán của người Việt trong mọi mặt của cuộc sống từ ứng xử với xã hội, gia đình, dòng họ, cộng đồng đến các tập tục hôn nhân, làm nhà, tang ma, thờ phụng.

Những cách tế lễ

Đối với người dân miền biển Quảng Nam, việc cúng tế thường có hoa, trái cây, thức ăn. Mọi vật được bày lên bàn thờ hoặc hương án. Tùy vào trường hợp, cúng tế lớn gọi là “cúng tam sanh” hay cúng tế khiêm tốn hơn thì gọi là cúng trầm trà.

Khi cúng người hành lễ đứng trước bàn thờ chắp hai tay đưa lên trước mặt rồi với động tác hạ dần xuống ngang bụng, tức là “vái”. Người cúng có khi “lạy” bằng cách đứng lên rồi quỳ sụp xuống đất, có quy thức hẳn hoi, cúng đọc thầm lời ước nguyện, gọi là “khấn”.

Tế là một loại nghi lễ giống như cúng nhưng quy mô hơn, lớn hơn phạm vi một gia đình. Mỗi dòng họ, làng xã có thể tổ chức đám tế như tế tổ, tế thành hoàng... Trong tế lễ thường có nhạc bát âm, trống và chiêng tấu nhạc khi cử hành nghi thức, có phần trang trọng và kiểu thức cung nghinh. Một yếu tố quan trọng trong tế lễ là bài văn tế được đọc lên trong buổi lễ rồi đốt đi.

Những sự kiện liên quan đến cuộc mưu sinh của con người trên biển luôn hiện hữu trong tâm thức của ngư dân trong suốt cả đời người. Giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng của ngư dân Quảng Nam được lắng đọng trong nhiều tín ngưỡng dân gian đi kèm với các tế lễ. Cộng đồng ngư dân đã nuôi dưỡng và tổ chức nhiều tế lễ gắn chặt với tín ngưỡng dân gian.

Nét đặc trưng nhất trong tín ngưỡng dân gian và văn hóa tế lễ là tín ngưỡng thờ cá Ông, tôn xưng với các tước hiệu như Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, Đông Hải Ngọc Lân Tôn Thần, hay các danh xưng gần gũi khác như ông Cậu, ông Khơi, ông Lộng, ông Chuông… trở thành “phúc thần” nơi biển cả.

Với ngư dân Quảng Nam, cá Ông không chỉ là một vị thần biển mà còn là vị thần bản mệnh liên quan đến sự hưng thịnh của vạn chài. Từ niềm tín kính như vậy, hằng năm lễ tế cá Ông là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, đồng thời đó cũng là ngày hội của cư dân vạn chài. Phần tế lễ và các nghi thức diễn ra hàng năm, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, bắt đầu là lễ vọng, lễ nghinh Ông, lễ tế cô hồn, lễ chánh tế, lễ xây chầu bả trạo.

Kết nối các giá trị tinh thần

Thực hành các tế lễ ở cư dân miền biển xứ Quảng hàm chứa các giá trị văn hóa tinh thần và xã hội với ý nghĩa nhân văn, thể hiện tình cảm mang tính văn hóa đa nguyên. Việc thờ phụng biểu hiện ứng xử giữa các quan hệ liên thức Người - Thần - Biển. Tính chất văn hóa trong tế lễ còn được thể hiện trong ngôn ngữ cúng tế.

Ngôn ngữ được sử dụng trong hát bả trạo, bài chòi, văn cúng tế... có sắc thái, giai điệu, tiết nhịp chứa đầy cảm xúc thẩm mỹ khác nhau như nói lối, hát thán, hát xuân nữ, hò chèo thuyền, hò khoan, kể… hoặc trong các bài văn tế thường sử dụng ngôn ngữ bản địa, có thể do “kỵ húy” như “Đương cảnh thổ địa” thì gọi là “Đương kiểng thổ địa”, “Hoa” thì gọi là “Ba” như “Bình ba” (Bình hoa)”, “Ba quả” (Hoa quả) và bao giờ trong các bài văn tế phải có từ “Sắc” nghĩa là mời các vị thần về chứng giám. Ngoài ra cư dân biển còn dùng chữ Nôm hoặc ngôn ngữ của nghệ thuật tuồng cũng được vận dụng.

Cư dân biển Quảng Nam - tính từ bán đảo Sơn Trà qua Hội An vào đến Dung Quất/Vũng Quýt dù sinh sống bằng nghề xăm, giã ruốc, giã cào, mành chốt, mành mở, lưới quét, lưới cản, lờ mực, câu ống, câu giàn… đều có những phong tục, tập quán, tế lễ rất đa dạng, cho thấy tâm thức biển chi phối đến đời sống mưu sinh của ngư dân.

Mặt khác, sự đa dạng này là nhân tố nảy sinh những đặc điểm xã hội với tính chất thoáng mở, năng động và kết hợp nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu của các vùng miền khác. Sự hòa hợp, thích nghi và gìn giữ những điều kiêng kỵ giữa người với người, người với thế giới tự nhiên và siêu nhiên nhằm có được điềm lành trong quá trình tồn sinh của ngư dân xứ Quảng.

Tôn Thất Hướng 

 

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 16/6/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT