Làng Cổ Triều Khúc (Hà Nội)
Làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội có khung cảnh cổ kính đặc trưng của những ngôi làng xưa Bắc Bộ. Trái tim của làng là chùa Vân Hương uy nghiêm, trầm mặc, rêu phong đặc trưng của đình chùa làng Việt còn giữ nguyên vẹn từ khi được xây dựng cách đây mấy thế kỷ. Ngay trước cổng chùa là một hồ nước rộng, trong xanh và nhà thủy tạ nổi bên hồ, khiến phong cảnh Triều Khúc càng thêm duyên. Tại Triều Khúc có hai ngôi đình cổ: đình Sắc để thờ các sắc phong mà các đời vua triều Nguyễn ban cho làng và đình Đại thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Cả hai ngôi đình đều được dựng từ thế kỷ XVII, kiến trúc khá bề thế. Người dân Triều Khúc rất tự hào, giữ gìn các ngôi đình vì tương truyền, vị trí của đình Đại ngày nay vào năm 791 là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh trên đường công thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), chống lại sự đô hộ của nhà Đường. Người ta nói rằng không gian bao quanh các ngôi đình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với những gốc đa cổ thụ tỏa rợp khoảng sân rộng và giếng nước đầu làng trong veo. Đường làng nay tuy đã tráng bê-tông, nhưng vẫn giữ nét mềm mại bởi những ngõ nhỏ, uốn khúc bao quanh những ngôi nhà gỗ lợp ngói cổ xưa nằm xen lẫn với những ngôi nhà mới được xây dựng, tạo nên một Triều Khúc vừa cổ kính vừa mang hơi thở cuộc sống thời đại.
Đến Triều Khúc, du khách còn được chứng kiến sự giao hòa giữa nếp sống xưa và nay qua những làng nghề. Trong làng, từ xóm Cầu, qua xóm Đình vào đến xóm Lẻ và xóm Án... đâu đâu cũng có những cơ sở sản xuất, không khí lao động nhộn nhịp, toát lên nhịp sống lạc quan, tích cực. Cuộc sống của làng nghề cổ vẫn còn giữ gìn đến nay. Từ cuôi thời Lê đầu Nguyễn, Triều Khúc nổi tiếng gần xa với nghề dệt. Đến nay, người Triều Khúc vẫn còn truyền nhau câu chuyện về tổ nghiệp của họ - ông Vũ Đức Úy, sống vào thế kỷ 18, được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, học nghề dệt thao sau đó dạy lại cho dân làng. Từ đó, Triều Khúc còn được gọi là làng Kẻ Thao bởi nghề dệt thao giúp chiếc nón quai thao trở nên mềm mại và duyên dáng hơn. Nghề dệt trong làng đã được “chuyên môn hóa” khá sâu, như dệt áo the, quạt the, dệt nái yếm, bao thắt lưng, nghề nhuộm... Theo nhu cầu đời sống, người làng còn kết hợp nghề thêu may với nghề dệt nhuộm, để làm thêm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, lọng, tàn, trướng, y môn, tán tía, quả cù - những vật thờ và trang trí treo trong những ngày lễ tết, trong các đền, phủ và các buổi lễ hội. Từ những năm 1950, làng có thêm nghề dệt băng huân, huy chương. Đặc biệt, người Triều Khúc còn có tài thu gom vật liệu thô và phế liệu từ dệt lĩnh dệt lụa thải ra, để chuốt lại thành những con tơ, cuộn sợi nhuộm đủ màu - làm nguyên liệu cho nghề dệt vào những lúc khan hiếm nguyên liệu. Triều Khúc còn có thêm một cái tên dân gian khác là “làng ve chai lông vịt” bởi người Triều Khúc khéo léo kết hợp nghề dệt với những nghề thủ công khác, tạo nên những món hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ lông vịt, lông gà. Những nghề truyền thống này vẫn được giữ gìn và phát triển đến nay, giúp người dân Triều Khúc sống sung túc và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách.
Làng Triều Khúc đã được giới sử học công nhận làng cổ từ khi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ khảo cổ học với 140 hiện vật đá, gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay trên dưới 3.500 năm trên gò Cây Táo ở cánh đồng Miễu của làng. Đến với Triều Khúc, du khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện tuyệt vời giữa truyền thống và nhịp sống hiện đại.