Những địa danh lịch sử - văn hóa ở thành phố Lạng Sơn
Thành phố Lạng Sơn - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lạng Sơn, điểm đến của nhiều du khách gần xa trong hành trình tham quan, du lịch Xứ Lạng, luôn tự hào với nhiều địa danh lịch sử, văn hóa (VH) từ lâu đã đi vào thơ ca dân tộc, nức tiếng trong và ngoài nước…
Có thể nói, những địa danh lịch sử, VH trên địa bàn thành phố đã trở thành biểu tượng VH của không chỉ riêng thành phố Lạng Sơn mà còn là của vùng VH Xứ Lạng, là sự kết tinh của cả một bề dày truyền thống lâu đời. Ở đây, chỉ xin điểm lại một số địa danh lịch sử, VH gắn với tên tuổi, sự nghiệp của các danh nhân tiêu biểu ở Lạng Sơn. Trước hết phải kể đến đó là phố chợ Kỳ Lừa - nơi đã và đang là trung tâm giao thương buôn bán sầm uất từ xưa đến nay của thương khách gần xa. Phố chợ Kỳ Lừa nay thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ - một phường trung tâm của thành phố, mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Trên địa bàn hiện có chợ đêm Kỳ Lừa, một điểm du lịch mua sắm hấp dẫn của đông đảo du khách; có đền Tả Phủ, nơi thờ Tả Đô đốc Hán Quận Công Thân Công Tài - người đã có công khai lập ra phố chợ Kỳ Lừa (thế kỷ 17), và ông cũng đã được các nhà nghiên cứu nhất trí cho rằng là người đã góp phần vào đô thị hóa Lạng Sơn... Hằng năm, từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa tại đền Tả phủ được nhân dân tổ chức rất trang trọng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có di tích nhà số 8 phố Chính Cai - nơi lưu dấu bước chân hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ và cũng đã trở thành điểm tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Bên cạnh đó, ở thành phố không thể không nhắc đến danh thắng Nhị, Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc... Cái tên Nhị, Tam Thanh được đặt ra là nhờ công của vị Quan đốc trấn Ngô Thì Sĩ (đạo hiệu Nhị Thanh cư sỹ), thế kỷ 18, người làng Tả Thanh Oai, Hà Tây cũ và nay là Hà Nội. Ông đã lấy tên quê hương mình mà đặt ghép thành tên của danh thắng. Đây cũng chính là một trong tám cảnh đẹp của "trấn doanh bát cảnh" xưa đã được ông phát hiện và đặt tên. Ông cũng là người đã có công mở rộng địa bàn thành phố, lập ra các phố Nhị Thanh ngày nay... Cảm phục công ơn của ông, hàng năm vào ngày 14, 15 tháng Giêng, tại danh thắng Nhị, Tam Thanh nhân dân thường mở hội lớn để tri ân công đức của ông.
Nhân dịp này, cả nước đang tưng bừng hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn náo nức chào đón kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Lạng Sơn 17/10, chúng ta nhớ đến công lao của Thân Công Tài, Ngô Thì Sĩ và các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, dân tộc; trong đó, tiêu biểu là đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri - những người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, những người con ưu tú của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; nhớ về những chiến công trong lịch sử như: Khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9, chiến thắng đường số 4 rực lửa tháng 10/1950... chúng ta càng thêm cảm phục tấm lòng, công lao của những bậc tiền nhân, anh hùng liệt sỹ đã dày công vun đắp lên quê hương tươi đẹp hôm nay. Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2009), tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được khánh thành, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ, là điểm tham quan, du lịch về nguồn của nhiều đoàn du khách. Năm 2010 này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 – 17/8/2010), tại trung tâm huyện Văn Quan, khuôn viên tượng đài đồng chí Lương Văn Tri cũng đã được khánh thành thật khang trang, đẹp đẽ... Đó thật sự là những hành động thiết thực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tri ân công lao của những người anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn...
Chắc chắn thân thế, công lao và sự nghiệp của các bậc tiền nhân, anh hùng, cũng như những địa danh lịch sử, VH... sẽ mãi trường tồn với đất nước, dân tộc. Hiện nay, nhiều tên phố, tên phường, tên trường học của thành phố, của Lạng Sơn được đặt bằng tên của các danh nhân như: phường Hoàng Văn Thụ, đường Ngô Thì Sĩ, Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thụ; đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh; rồi đường Bắc Sơn, Bông Lau; Trường THCS, Tiểu học Hoàng Văn Thụ.... Và đó như là một cách nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi và tri ân công lao của các bậc tiền nhân, anh hùng đã dày công vun đắp nên thành phố Lạng Sơn ngày càng phát triển, vươn mình, khởi sắc.
Trong niềm vui hân hoan của những ngày hội lớn, nhớ đến những địa danh lịch sử, VH đầy tự hào gắn với các danh nhân tiêu biểu, cùng với các địa danh khác của Lạng Sơn đã và đang góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử, VH của quê hương Xứ Lạng, thật sự là những động lực to lớn góp phần để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn bước tiếp những trang sử vẻ vang hơn.
Nguồn: Báo Lạng Sơn