Non nước Việt Nam

Láp: Món ngon truyền thống của người Ve (Quảng Nam)

Cập nhật: 11/10/2010 16:12:04
Số lần đọc: 2086
Ở Quảng Nam, người Ve (thuộc một nhóm tộc người Giẻ Triêng) có địa bàn cư trú lâu đời ở các xã biên giới Đắc P’ree và Đắc Pring, huyện Nam Giang. Trong văn hóa ẩm thực, người Ve có rất nhiều món ngon, lạ, hấp dẫn như: m’nhó (thịt ủ chua), zară (thịt thọc nhuyễn), láp…

Nếu có dịp đến với đồng bào người Ve ở các xã biên giới Đắc P’ree, Đắc Pring vào những ngày hè, bên trong ngôi nhà Âng (nhà văn hóa cộng đồng), du khách sẽ được chiêu đãi những món ngon ẩm thực truyền thống, trong đó món láp là đặc sản ẩm thực không thể thiếu.

Trong căn nhà sàn bếp, già Zơrâm Liếu, ở thôn 58, xã Đắc P’ree, đang hướng dẫn đứa con trai út làm món láp truyền thống. Món láp mà già Liếu làm hôm nay được chế biến từ thịt gà. Ông cho biết: “Làm món láp của người Ve cũng đơn giản thôi, gồm hai công đoạn xử lý, đòi hỏi người làm phải khéo tay thì món láp mới ngon”.

Theo già Liếu, sau khi làm sạch gà, thay vì luộc chín thịt thì người làm chỉ cần hơ lửa nhẹ cho khô máu, rồi bằm thật nhuyễn thịt tươi, sau đó trộn các loại gia vị gồm lá chua rừng (zó ch’póch hoặc zó p’zưm), bột bắp rang, lá ngò gai, bột tiêu rừng và các loại ớt, gừng, muối, mì chính… vừa đủ. Thực hiện xong công đoạn trộn thật đều các loại gia vị vào thịt thì coi như đã chế biến xong món láp đặc sản, mang hương vị rất riêng của núi rừng.

Người Ve gọi món láp là ch’puôl nhil. Sau khi chế biến xong, láp có màu nhạt và mùi vị rất giống món tái của người Kinh, ăn rất ngon và bổ. Láp được bằm nhuyễn, rất ít nước. Từ xa xưa láp là món ăn truyền thống rất phổ biến của đồng bào người Ve, Tà Riềng. Một điều thú vị là ăn món láp không bao giờ bị đau bụng, đây là cái hay trong cách chế biến ẩm thực của đồng bào người Ve. Món láp được ăn trong các dịp lễ hội, đón khách quý và không thể thiếu trong tổ chức đám cưới, tiệc tùng, ma chay... 

Một nguyên tắc rất quan trọng đối với người chế biến món láp là phải biết lựa chọn lượng gia vị vừa chuẩn, tức là hợp với khẩu vị và khẩu phần cho phép. Tuy nhiên, món láp ngon hay dở còn phụ thuộc tay nghề của người làm, chế biến. Theo một số già làng người Ve, láp có thể làm từ bất kỳ thịt của loài động vật nào, ngoại trừ thịt chó. Có nhiều cách lý giải, song vấn đề đầu tiên vẫn là thịt chó có mùi hôi rất khó dùng khi làm láp.

Ngày xưa, người Ve thường dùng lá zó ch’póch rừng để làm món láp. Nhưng bây giờ lá đó không còn, rất khó tìm nên người ta lấy lá zó p’zưm hoặc nếu bí quá thì dùng chanh để chế biến.

“Món láp rất hợp với rượu tàvạt hoặc t’đin. Uống rượu tàvạt mà có mồi láp dùng để nhậu thì thật tuyệt. Có lẽ không có món nhậu nào của người Ve tuyệt vời hơn thế”

Vào thời điểm tháng cuối xuân, cây tàvạt bắt đầu trổ buồng, ra quả. Thời gian này nếu có dịp lên với đồng bào người Ve ở các xã Đắc P’ree, Đắc Pring, chắc chắn du khách sẽ tha hồ tận hưởng những giây phút ngọt ngào bên ché rượu tàvạt nồng nàn men say. Trong đêm lửa bập bùng cùng với ngàn “ánh sao đêm” của núi rừng, nhịp cồng chiêng ngân rộn ràng, điệu ting tít, rê rê được các chàng trai, cô gái Ve múa nhịp nhàng quyến rũ làm say đắm lòng người.

Già làng Hiên Mưa (63 tuổi, thôn 57, xã Đắc P’ree) cho biết: vùng này tàvạt rất nhiều nên các tháng hè hầu hết đều có rượu. Người Ve thường lấy rượu để nhậu với món láp trong các dịp tổ chức hội làng, cưới hỏi, đón khách quý…

Trong các đám cưới, người Ve chú trọng làm món láp nhiều hơn bởi đó là món ngon truyền thống. Trong một tiệc cưới nếu không có món láp thì coi như đám cưới đó chưa thực hiện đủ các phần nghi thức, nghi lễ quan trọng.    

 

Nguồn: website Công an TP.HCM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT