Hoạt động của ngành

Phát triển mô hình du lịch thiện nguyện ở Huế

Cập nhật: 10/11/2010 09:11:01
Số lần đọc: 2137
Huế được biết đến như một vùng đất Phật, không chỉ bởi lịch sử lâu đời, hay đơn thuần là hệ thống Phật tích mà còn bởi những giá trị cao đẹp về mặt tinh thần đang hiện hữu một cách sống động trong đời sống cư dân theo đạo Phật nơi đây. Đó là những tiềm năng mà ngành du lịch có thể khai thác để phát triển mô hình du lịch thiện nguyện.

Khái niệm “du lịch thiện nguyện”

Phong trào du lịch thiện nguyện (volunteer tourism) xuất hiện từ rất sớm trên thế giới và trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, khi nói đến hình thức du lịch này đã có không ít quan điểm không đồng nhất về khái niệm. Mc Gehee cho rằng: “Du lịch thiện nguyện là những cá nhân sử dụng thời gian và tiền bạc đi du lịch để giúp đỡ cộng đồng khác đang gặp khó khăn”. Còn Wearing định nghĩa rõ, hơn đó là những cá nhân với nhiều lý do khác nhau, có thể tham gia vào một tổ chức, hay nhóm (xã hội) sử dụng kỳ nghỉ của mình để giúp đỡ một cộng đồng, một nhóm xã hội nào đó cả về mặt vật chất hoặc giảm thiểu những ảnh hưởng của thiên tai gây ra cho cộng đồng đó. Lyons lại phân biệt giữa khái niệm tình nguyện và du lịch thiện nguyện. Ông cho rằng tình nguyện viên là những người tự nguyện trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giúp đỡ những cư dân đang gặp khó khăn trong cộng đồng mình sinh sống và không vụ lợi; thiện nguyện viên được xem là những người đi du lịch thiện nguyện khi họ trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện cho một cộng đồng nào đó.

Ở Việt Nam, du lịch thiện nguyện nảy sinh trong quá trình tham gia các hình thức du lịch khác của du khách như: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, du lịch tôn giáo... Hình thức thiện nguyện chủ yếu tập trung vào hoạt động cứu tế an sinh, các hoạt động xã hội khác ít phát triển hơn.

Đối với hình thức du lịch thiện nguyện Phật giáo, những người tham gia bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó chủ yếu là Phật tử, vừa kết hợp du lịch vừa hành thiện theo quan điểm tôn giáo. Du khách khi đi du lịch không chỉ có nhu cầu về tinh thần ở hiện tại mà họ còn có những niềm tin tôn giáo, sự hướng thiện và thể hiện lòng từ bi theo lời Phật dạy để tạo ra những nhân duyên tốt cho không chỉ hôm nay.

 

Biến Huế trở thành điểm đến của du lịch thiện nguyện

Du lịch thiện nguyện – khám phá văn hóa, nghỉ dưỡng

Thừa Thiên Huế sở hữu hơn 900 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt với quần thể kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới và Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cũng chỉ riêng Huế mới có hệ thống vườn xưa, nhà cổ, điển hình cho mô hình cư trú của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Hơn thế, Thừa Thiên Huế còn có nhiều lễ hội đặc sắc đã được khôi phục và phát huy, như lễ hội cung đình Huế; lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo; lễ hội làng xã, nghề nghiệp... Ngoài ra, vùng đầm phá, các vịnh biển cũng như các khu sinh thái là những địa điểm hấp dẫn du khách quốc tế và nội địa. Đó là những tiền đề cơ bản để phát triển du lịch truyền thống kết hợp với du lịch thiện nguyện, du lịch nhân đạo.

Du lịch thiện nguyện – Vãn cảnh chùa Huế

Với số lượng chùa, Niệm phật đường ở Huế lên đến gần 400 ngôi, chiếm 1/3 số lượng chùa của cả nước. Ngoài những quốc tự như Thiên Mụ, Diệu Đế, Tường Vân... là điểm đến của nhiều du khách và khách hành hương trong nước và quốc tế, Huế còn có nhiều ngôi chùa mang giá trị lịch sử cũng như văn hóa đặc sắc như: chùa Huyền Không, Từ Hiếu, Thuyền Tôn, Đông Thuyền, tịnh thất Hoàng Mai... Chính vì vậy, mô hình du lịch thiện nguyện kết hợp với tham quan các danh lam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển.

Du lịch thiện nguyện - Ẩm thực già lam

Hiện nay, xu thế ăn chay đang thịnh hành nhiều nơi trên thế giới với nhiều mục đích khác nhau: ăn vì sức khỏe, vì bảo vệ môi sinh, môi trường sống... Chính vì vậy, ở Huế, ngoài những nhà hàng chay nổi tiếng như Liên Hoa, Bồ Đề, Tĩnh Tâm... du khách cũng không xa lạ với những gánh hàng chay vào những ngày sóc vọng hiện diện trên nhiều đường phố. Hơn thế, du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn những tinh túy nghệ thuật ẩm thực già lam trong một không gian thiền viện ở trong chùa, các tịnh xá ở Huế. Đồng thời, qua việc thưởng thức ẩm thực, du khách còn có thể thực hành thiện nguyện qua việc đóng góp công đức giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các trung tâm từ thiện Phật giáo.

Du lịch thiện nguyện - Thực hành chánh pháp

Du khách đến Huế có thể kết hợp du lịch và thực hành pháp thí, trong đó có cả việc truyền dạy những kinh nghiệm, nghề nghiệp của mình cho những thân phận thiệt thòi trong xã hội, đem lại hạnh phúc cho người khác chính là niềm hạnh phúc của bản thân. Với những trung tâm dạy nghề từ thiện như chùa Long Thọ, chùa Tây Linh với hơn 200 học viên là những trẻ em khuyết tật, đó là những địa chỉ mà du khách có thể đến để trực tiếp tham gia giảng dạy với rất nhiều nghề như may, thêu, đan, mộc mỹ nghệ... Các làng nghề thủ công cũng là điểm đến quen thuộc của những Phật tử trong thực hành chánh pháp, làm từ thiện giúp đạo, giúp đời.

Du lịch thiện nguyện - Tâm linh

Đến với Huế, du khách không chỉ đáp ứng tâm nguyện cúng dường từ thiện mà còn có thể tìm cho mình nhiều hình thức du lịch tâm linh, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống hiện hữu, cũng như tìm được trong Phật giáo sự bình an trong tương lai. Bằng sự thuyết giảng trực tiếp của các giảng sư, mỗi du khách đều có thể cảm nhận trực tiếp về tâm linh, từ đó dễ phát khởi lòng tin và tinh tấn hành trì giáo lý của Phật pháp để làm lành lánh dữ, tìm được nguồn an lạc, hạnh phúc. Ngoài ra, ở các chùa cũng có thể tổ chức những buổi học ngắn ngày hay các lễ cầu an kết hợp với các hoạt động thiện nguyện khác. Mô hình này bắt đầu hình thành và đang trên đà phát triển ở một số cơ sở như chùa Ba La Mật, chùa Đông Thuyền... các chùa Long Thọ, Diệp Viên cũng có những tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, mô hình kết hợp du lịch và cùng tham gia sâu vào những hoạt động Phật sự xã hội phong phú của Gia đình Phật tử có thể tạo nên những nét khác biệt cho du lịch thiện nguyện Huế không chỉ dành riêng cho Phật tử mà còn là điểm hấp dẫn, lôi cuốn tầng lớp thanh niên trong và ngoài nước.

Huế được mệnh danh là vùng đất Phật, không chỉ bởi lịch sử phát triển lâu đời của Phật giáo, hay đơn thuần là hệ thống Phật tích đặc sắc mà còn bởi những giá trị cao đẹp về mặt tinh thần đang hiện hữu một cách sống động trong đời sống cư dân theo đạo Phật nơi đây. Nếu kết hợp được những nét đẹp của phong trào du lịch thiện nguyện với những đặc trưng độc đáo khác trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, của văn hóa Huế nói chung, ngành du lịch Thừa Thiên Huế có thể tạo thành một loại hình du lịch phù hợp với xu thế phát triển của thị trường du lịch thế giới hiện nay.

 

Nguồn: vanhoamientrung

Cùng chuyên mục