Hành trang lữ khách

Tục xăm cằm: Nét văn hóa đặc sắc của người Mảng (Lai Châu)

Cập nhật: 26/11/2010 13:11:56
Số lần đọc: 2524
Ngày 25/11/2010 tại xã Bum Nưa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức lễ phục dựng “tục xăm cằm” của dân tộc Mảng.

Tục xăm cằm là nghi thức không thể thiếu của người dân tộc Mảng. Hành động và hình xăm trên cằm mỗi người không chỉ thể hiện cho sự trưởng thành của người đó mà còn thể hiện tính tâm linh. Đó là biểu tượng của sức mạnh của đấng tối cao, là sự che chở, giúp đỡ cho con người chống lại những rủi ro của thiên nhiên và cầu mong về một đức tính hiền dịu, đảm đang của mỗi người.

 

Trong quan niệm của người Mảng, xăm cằm không chỉ nhắc nhở đến bổn phận của người vợ, người chồng mà còn là sự thiêng liêng, tôn kính. Nếu ai không xăm cằm ngoài việc không khẳng định được sự trưởng thành mà khi chết sẽ không qua được cổng trời. Người không có hình xăm khi chết hồn sẽ không được nhập cùng dòng họ mà phải đi lang thang. Người không có hình xăm, nếu muốn vào cổng trời sẽ phải chịu hình phạt, hồn phải đeo một cái cối giã gạo to mà quai đeo được làm bằng một con rắn hổ mang đeo quanh cổ và phải đi qua cây cầu nhỏ làm bằng một cây gỗ bắc qua một khe sâu không có tay vịn…

 

Bởi lý do trên, thanh niên Mảng khi đến tuổi trưởng thành đều được người già hay bố mẹ nhắc nhở và tổ chức xăm cằm cho.

 

Tuy nhiên do quá trình lao động sản xuất, đời sống khó khăn… tục xăm cằm của người Mảng không được duy trì.

 

Theo những người lớn tuổi ở đây thì người từ 12 tuổi trở nên mới được xăm cằm và ngày chọn để tổ chức lễ xăm cằm phải những ngày đẹp trong tháng 10 âm lịch hàng năm. Tục xăm cằm đã mất đi cách đây khoảng 30 năm. Hiện còn rất ít người có hình xăm còn sống và người nào còn sống thì những xăm đó cũng đã được xăm cách đây từ 30 – 40 năm.

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục