Non nước Việt Nam

Thăm khu di tích lịch sử Ấp Bắc (Tiền Giang)

Cập nhật: 08/12/2010 09:12:10
Số lần đọc: 4516
Khu di tích lịch sử quốc gia Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (huyện Cai Lậy-Tiền Giang) cách trung tâm huyện lỵ 10 km về hướng đông. Tại đây, bia kỷ niệm có ghi: Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 đã đánh bại các chiến thuật: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận  mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ.

Chiến thắng Ấp Bắc nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân; là tiếng chuông báo hiệu sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. 

Từ trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Tân Phú đến khu di tích chừng 500m. Chính tại nơi đây hơn 40 năm về trước, đã diễn ra trận đánh ác liệt, dồn dập, đi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Đống Đa hay Chi Lăng. Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên chừng 2 ha bao gồm: tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, xe bọc thép, máy bay lên thẳng những chiến lợi phẩm sau trận đánh, pháo 105 ly, mộ 3 chiến sĩ gang thép, nhà quản trang, xen kẻ trong khu vườn hoa lúc nào cũng khoe sắc và toả hương thơm ngát. Cạnh vườn hoa là những ao nhỏ, bên dưới trồng hoa súng đỏ. Từng đàn cá rô phi, điêu hồng vô tư lội tung tăng dưới làn nước trong vắt. Du khách có thể ngồi trên những chiếc băng đá phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật nơi đây. Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên này là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sửng, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, làm cho ta phảng phất hình ảnh của những chiến sĩ cầm cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng De Castrie ở trận Điện Biên Phủ năm nào. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Hải, do cơ sở đúc đồng Phương Nam(Thủ Đức -  TPHCM) thực hiện, khánh thành nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng Ấp Bắc. Hình ảnh uy nghi của các anh như đưa chúng tôi trở về cảnh súng nổ, bom rền hơn 40 năm về trước.

 

Sáng sớm ngày 02/01/1963, khi Tỉnh Uỷ đang họp tại xã Hưng Thạnh(thuộc huyện Tân Phước Tiền Giang ngày nay) thì được tin địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Cuộc càn quét diển ra trong phạm vi xã Tân Phú(thuộc vùng giải phóng liên hoàn nối liền hai huyện Cai Lậy Châu Thành, tiếp giáp vùng căn cứ của tỉnh) để vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện đang trú quân tại đó. Điểm cụ thể mà chúng đổ quân bao vây diệt lực lượng ta là Ấp Bắc. Lực lượng của ta chỉ có đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261. Năm giờ sáng ngày 2/1/1963, tiểu đoàn A của địch chia làm 2 cánh tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại Vàm kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9g30 bọn chúng đã cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc. Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Bảy Đen, đại liên ta được lệnh nổ súng vào đội hình địch. Số chết, số bị thương, số còn lại chạy tán loạn. Địch tiếp tục tăng quân tấn công vào đội hình đại đội I/514. Đợi địch tới gần, toàn đại đội nổ súng diệt hơn 50 tên, số sống sót tháo chạy trở lại. Đến 13g30, tiểu đoàn B và xe M113 của địch mở đợt tiến công vào đội hình đại đội I/261. Tình hình lúc này khá gay go, ba xe M113 và một tốp bộ binh tiến tới sát công sự. Do địa hình lồi lõm nên hoả lực của ta chi viện không kết quả. Trận địa có nguy cơ bị địch chọc thủng. Anh Nguyễn Văn Đừng, một tiểu đội trưởng của đại đội I/261, cùng hai bạn chiến đấu bí mật bò cặp bờ ranh rồi cả 3 áp sát vào ngôi mộ cổ.

 

Anh Đỗ Xuân Chinh người phụ trách khu di tích chỉ vào ngôi mộ cổ chằng chịt vết đạn, phía dưới chân tượng đồng, kể: Theo những cụ cao niên ta kể lại thì đây là ngôi mộ của một bà Cả. Ba chiến sĩ Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) đã nấp ở ngôi mộ này cầm cự suốt, không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá huỷ 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. Khi 3 đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân đặt cho tổ cái tên trìu mến và đầy tự hào Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng, riêng 3 chiến sĩ ấy tôn vinh Ba chiến sĩ gang thép.

 

Địch tiếp tục tăng quân tiến công nhiều đợt nữa và dùng máy bay L19 bay trên trận địa gọi ta ra hàng. Đích thân tên Cao Văn Viên, tư lệnh lữ đoàn dù, ngồi trên trực thăng quan sát cuộc tiến công. Tiều đoàn dù được 16 chiếc Dacota thả xuống trận địa đại đội I/514. Đợi địch xuống thật gần, toàn đại đội nổ súng, một số tên bị diệt ngay trên không. Ta, địch xen kẻ cách nhau từng bờ mương, liếp chuối. Bọn lính dù đứa bị mắc lủng lẳng trên ngọn cây, đứa bị kẹt trên mái nhà bị nhân dân ta phát hiện báo cho chiến sĩ ta tiêu diệt. Đến 20 giờ, địch tổ chức thêm một đợt tiến công nữa nhưng cũng bị ta đẩy lùi.

 

Rời khu vực tượng đài, anh Chinh dẫn chúng tôi đến khu mộ 3 chiến sĩ gang thép. Ba ngôi mộ nằm song song nhau, phía trên lúc nào cũng nghi ngút khói hương của khách tham quan, các anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc: 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trục thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm. Về thăm Ấp Bắc, nguyên chỉ huy phó Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM Trần Xuân Trí đã xúc động viết nên những vầng thơ, trong đó có đoạn:

 

Những Ấp Bắc, Củ Chi, Bến Cát

Địa danh này được Bác biểu dương.

Đã rộn ràng những bài ca, câu hát

Tên tuổi anh cả nước biểu dương.

 

Từ khi khu di tích được khánh thành đến nay đã đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi giáo dục cho học sinh trong tỉnh về truyền thống đấu tranh bất khuất của tổ tiên trong sự nghiệp giữ nước. Rời khu di tích, nhìn hai bên đường, chúng tôi không khỏi vui mừng trước những cánh đồng lúa trĩu hạt, những rẫy dưa chi chít quả căng tròn. Lác đác trên cánh đồng, nhiều mô hình bằng xi -măng xác máy bay, xe M113 bốc cháy. Tất cả như minh chứng cho một sức sống mới trên mảnh đất anh hùng.

Nguồn: Tiền Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT