Khám phá thư viện kinh thánh cổ nhất thế giới
Đây là một trong những thư viện cổ nhất thế giới, được mệnh danh là “kho tàng văn hóa-văn minh” vô giá của nhân loại, nơi lưu giữ các bộ sưu tập quý về lịch sử, khoa học và văn hóa.
Khi mới thành lập, thư viện có 350 bản kinh Thánh viết tay bằng tiếng Latin. Năm 1455, khi Giáo hoàng Nicholas V qua đời, thư viện đã có 1.500 bộ kinh Thánh và là bộ sưu tập các bản kinh Thánh viết tay lớn nhất châu Âu.
Thư viện hiện có khoảng 75.000 bộ kinh Thánh viết tay và hơn 1,1 triệu cuốn sách. Đặc biệt, thư viện có Codex B - bộ kinh Thánh hoàn chỉnh cổ nhất, có từ năm 325, được coi là một trong 50 bộ kinh Thánh do Hoàng đế Constantine, Hoàng đế La Mã đầu tiên theo Thiên chúa giáo, biên soạn.
Ngoài ra, thư viện còn lưu giữ các bộ sưu tập tiền xu, huy chương, bản in và nhiều tác phẩm chạm trổ độc nhất vô nhị.
Thư viện Tòa thánh Vatican vừa đóng cửa trong ba năm để trùng tu với quy mô lớn và mở cửa trở lại vào tháng 9/2010. Chi phí cho sửa chữa và trùng tu vào khoảng 11,5 triệu USD, bao gồm lắp đặt điều hòa nhiệt độ cho các phòng có những bộ kinh thánh cổ, thang máy, thiết bị an ninh công nghệ cao, camera, các cửa ra vào tự động giúp nhận diện những người ra vào thư viện...
Các bộ kinh Thánh và sách trong thư viện được đặt trong các phòng chống bom, sàn chống cháy, bụi và đều được gắn chip vi mạch điện tử, điều khiển bằng tần số vô tuyến, có khả năng phát tín hiệu radio giúp tìm kiếm, kiểm soát dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tại các phòng đọc, thư viện có các máy vi tính để bàn được kết nối Internet và trang bị cả hệ thống kết nối Internet không dây, giúp độc giả truy cập vào danh mục tài liệu trong thư viện và sử dụng các dịch vụ khác.
Độc giả đến tham khảo tài liệu trong thư viện này phải là chuyên gia nghiên cứu, giáo viên hay nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sỹ của các trường đại học.
Hàng năm, khoảng 5.000 độc giả đến thư viện để nghiên cứu nhưng Giáo hoàng là người duy nhất được phép mang tài liệu ra khỏi thư viện.
Năm 1984, Vatican, nơi tập hợp nhiều công trình văn hóa nổi tiếng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.