Xuân Trường (Nam Định) khôi phục, phát triển các môn thể thao dân tộc
Và đặc sắc hơn cả là bơi chải đứng ở lễ hội chùa Keo làng Hành Thiện (Xuân Hồng). Vào mỗi dịp lễ hội, hoạt động bơi chải chở thành một nét đẹp không thể thiếu, bởi đây là nét đẹp văn hoá, là dịp người dân tưởng nhớ công lao của ông cha đã có công quai đê, lấn biển nên thu hút rất đông con em quê hương và khách thập phương đến dự.
Để nhân rộng môn thể thao dân tộc này trở thành thế mạnh của địa phương, những năm qua, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo 20 xã, thị trấn, huy động các nguồn lực trong dân để duy trì hoạt động. Từ nguồn ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân, đến nay, tất cả các xã, thị trấn có hội bơi chải đều đã có chải đua như làng Hành Thiện (Xuân Hồng) có 15 chiếc, làng Xuân Bảng (thị trấn Xuân Trường) 5 chiếc, làng Xuân Hy (Xuân Thuỷ) có 5 chiếc, làng An Cư (Xuân Vinh) 10 chiếc, làng Nhân Thọ (Thọ Nghiệp) 10 chiếc… Các chải này đều được đóng vững chắc, mang nét đẹp truyền thống và được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Không chỉ giúp các xã, thị trấn về huấn luyện đội ngũ, công tác tổ chức lễ hội mà mỗi địa phương khi tổ chức thiếu trang phục, trống, cờ… đều được Phòng Văn hóa - Thể thao huyện tạo điều kiện cho mượn. Nhờ vậy, giải đua chải ngày càng được các địa phương duy trì, tổ chức thường xuyên phục vụ nhân dân trong ngày hội văn hoá - thể thao của các xã, thị trấn.
Cùng với đua chải, huyện Xuân Trường còn là cái nôi của vật Trà Lũ xưa gồm các xã Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Bắc với nhiều đô vật đã nổi tiếng trong làng vật cả nước. Hình ảnh những đô vật lực lưỡng biểu diễn những điệu xe đài, cuốn chỉ và tranh tài trong tiếng trống vật đã trở thành nét đẹp trong các lễ hội làng An Cư (Xuân Vinh) vào mùng 6, 7 tháng Giêng và làng Xuân Bảng (thị trấn Xuân Trường) vào ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch… Để phát triển môn vật cổ truyền, Phòng Văn - Thể huyện thành lập 15 CLB võ thuật, với số lượng mỗi CLB khoảng 50 hội viên, không thu phí hoạt động của các hội viên CLB. Qua các CLB võ thuật này, nhiều võ sinh có thể hình đẹp, có sức mạnh và niềm say mê với môn vật đã được các HLV tuyển chọn, bồi dưỡng. Hàng năm, Phòng Văn - Thể huyện phối hợp với Bộ môn Vật của Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng, chiến thuật cũng như các điều lệ trong thi đấu để các đô vật của huyện tham gia các giải của tỉnh đạt kết quả cao. Cùng với các môn vật cổ truyền, đua chải, các xã, thị trấn trong huyện cũng tích cực phát triển môn cờ tướng. Ở hầu hết các lễ hội truyền thống, vào các ngày lễ, Tết, các dịp kỷ niệm Ngày Người cao tuổi Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Ngày hội văn hoá - thể thao của các xã, thị trấn. Hội Người cao tuổi ở nhiều xã, thị trấn trong huyện tổ chức các giải cờ tướng, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào cờ tướng trong huyện phát triển.
Việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc ở Xuân Trường đã khẳng định tính đúng đắn trong định hướng phát triển TDTT cơ sở, phù hợp với yêu cầu của nhân dân. Nhiều năm liền, đội tuyển vật, bơi chải của huyện đã giành thứ hạng cao tại Giải vật đầu xuân, Giải bơi chải truyền thống của tỉnh do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức. Trong thời gian tới, huyện Xuân Trường sẽ tiếp tục tạo nhiều cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho việc duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc. Cùng với việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên, huyện cũng chỉ đạo các trường học đưa một số môn thể thao dân tộc như: vật, cờ tướng vào các tiết học ngoại khoá, nhằm phát hiện VĐV tài năng để bồi dưỡng trở thành hạt nhân cho phong trào thể thao của huyện./.