Lào Cai: Hội thảo “Những nét đặc trưng về phong tục tập quán người Mông”
Dân tộc Mông là dân tộc ít người, có tính cần cù chịu khó lao động, có kinh nghiệm khai hoang trên ruộng bậc thang, đất dốc đồi núi. Ở tỉnh Lào Cai, dân tộc Mông sống tập trung chủ yếu ở các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai... Tại huyện Bắc Hà, dân tộc Mông chiếm 47,3% dân số toàn huyện, với 4.346 hộ, 24.827 khẩu sống ở 20 xã 126 thôn, bản. Người Mông ở Bắc Hà có các ngành: Mông trắng ( Môngz Đơư), Mông hoa ( Môngz Lênhx), Mông đỏ( Môngz Si), Mông đen( Môngz Đuz), Mông xanh( Môngz Njuôz), Mông súa( Hmôngz Sua) và đều lưu giữ được khá nguyên vẹn những phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, các câu dân ca, tục ngữ, nhạc cụ… của người Mông. Tiêu biểu như tục cưới hỏi, tục kéo vợ, tục bói số vợ chồng, và các lễ hội đặc sắc của người Mông như lễ hội Gầu tào, lễ Nhù đăng (Nhux đangz) - hay còn gọi là lễ hội báo ơn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng cột chính… góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Mông huyện Bắc Hà và của tỉnh Lào Cai.