Hành trang lữ khách

Đình Rắn (Bến Tre) – Huyền thoại đầy bí ẩn

Cập nhật: 16/12/2010 15:12:39
Số lần đọc: 2030
Cho đến nay, nhiều người biết đến xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày (nay là H. Mỏ Cày Nam), Bến Tre là cái nôi của quê hương Đồng Khởi. Nơi đây còn có di tích lịch sử rất độc đáo, gợi tò mò, khám phá đối với nhiều người nhưng còn ít người biết đó là đình Rắn với huyền thoại đầy bí ẩn.

Định Thủy nằm cách trung tâm thị trấn Mỏ Cày Nam 3km về hướng Đông Bắc. Theo ông Nguyễn Văn Trọng (dân làng gọi là cụ Mười Trọng), 94 tuổi, Phó ban Khánh tiết của đình kể, vào đầu thế kỷ 18, bốn tộc họ Nguyễn, Phan, Trịnh và Võ được coi là những người khai phá ra vùng đất này. Nơi đây xưa kia còn hoang vắng, ít khi thấy bóng người, chỉ thấy toàn thú dữ. Một trong những loài thú mà các bậc tiền hiền – những người khai phá ra vùng đất phương Nam tôn thờ đó là chúa sơn lâm. Thế nên khi đặt chân đến vùng đất này, các cụ đã chọn ra một mô đất cao, thoáng lập một ngôi miếu nhỏ thờ ông Hổ. Miếu lập lên chẳng bao lâu bà con trong vùng đến chiêm ngưỡng, cúng bái ngày càng đông. Lúc bấy giờ để dễ bề cai quản, chức sắc ở đây mới lên quan trên xin cho thành lập làng và lấy tên là làng Định Phước.

 

Theo Địa chí Bến Tre, giữa năm 1790, làng được quan trên chuẩn y thành lập. Thế là một ngôi đình trên nền ngôi miếu cũ làm bằng gỗ, lợp lá dừa nước khá khang trang, mặt quay về hướng Đông ra đời. Ngôi miếu ông hổ được dời sang phía trái tiền đình vẫn còn cho đến ngày nay. Khi đình dựng xong, chức sắc của đình mới gửi sớ về triều xin phong sắc thần. Đến năm Minh Mạng thứ 5 thì đình Định Phước nhận được sắc phong.

 

Cũng theo Địa chí Bến Tre, tuy đã có nơi thờ cúng nhưng vào thời đó đất đai ở đây còn hoang hóa mênh mông, đình nằm trên một khoảnh đất cao vì thế rắn độc tụ hội rất nhiều, nhiều hang ăn sâu vào giữa đình. Khi thờ cúng, các chức việc trong đình phải lấy ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố xảy ra, từ đấy có tên Đình Rắn.

 

Đường vào đình Rắn phải xuyên qua những hàng bạch đàn thâm u, vắng lặng. Đình Rắn đứng sừng sững, uy nghi, trầm mặc giữa chốn hoang vu. Bà Võ Thị Năm, 78 tuổi, người trông coi đình Rắn kể với vẻ mặt đầy kính cẩn: Căn cứ vào sắc phong, ngôi đình này có trên 150 năm. Nơi đây trước kia có cặp rắn thần to bằng khạp năm cân, dài trên 20 mét. Mỗi khi “ông” về, đi rạp cả lúa mùa. “Ông” chưa bao giờ cắn ai, chỉ ăn thịt những con ác thú như hùm, beo và hộ độ dân lành. Sau ngày đất nước thống nhất, “ông” đã về rừng lớn, núi to.

 

Còn theo cụ Mười Trọng, ngày xưa nơi đây là rừng rậm, rắn, cọp, cá sấu nhiều vô kể. Ông bà mình từ Đàng ngoài trước khi vào đây phải vượt qua sông cù lao Bảo. Gặp lúc sóng to gió lớn, thuyền bè chao đảo, lúc đó có một con rắn lớn nâng bè qua sông. Cám cảnh rắn thần cứu mạng nên khi đình lập xong người dân liền “thỉnh” ông rắn về thờ. Và cũng kể từ đây những lưu dân khai phá vùng đất này cày cấy năm nào cũng trúng mùa.

 

Nhiều người còn kể rằng, cũng nhờ có ông rắn mà bọn Tề, ngụy, Việt gian tối đến không bao giờ dám bén mảng tới nơi này. Nên kể từ sau Cách mạng tháng Tám, Đình rắn là một trong những cơ sở cách mạng bí mật để hội hợp, mít tinh. Lúc bấy giờ nữ Tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người thường xuyên lui tới đây để chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Đến năm 1970, cuộc chiến càng lúc lan rộng, bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt, đình gần như bị sập hoàn toàn nên cơ sở cách mạng ở đây được chuyển đi nơi khác.

 

Sau ngày miền Nam được giải phóng, các cụ bắt tay tôn tạo lại ngôi đình bằng cây lá đơn sơ để thờ cúng. Đến năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Trần Hoàn ký quyết định công nhận ngôi đình là di tích lịch sử Đồng Khởi. Năm 2003 Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo đầu tư, phục dựng lại ngôi đình trông thật khang trang. Đây còn là một trong những địa chỉ dừng chân lý tưởng cho những ai có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục